Chợ truyền thống TP.HCM “ngắc ngoải”, vì đâu nên nỗi?
Khác với cảnh tấp nập bao năm qua, giờ đây những chợ truyền thống nổi tiếng của TP.HCM như Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu…ế ẩm chưa từng thấy.
Hàng loạt chủ sạp đóng cửa, treo biển cho thuê, sang nhượng nhưng cũng chẳng thấy ai hỏi.
Nhiều quầy sạp cho thuê treo biển đã lâu vẫn không tìm được người thuê (Ghi nhận tại chợ Bình Thới, quận 11, TP.HCM lúc 10 giờ ngày 4/5)
“Bán cho vui, được đồng nào hay đồng đó!”
Chị Mai Hoa, chủ bán sạp mứt và bánh ngọt Mỹ Ngọc tại chợ Bến Thành, quận 1 cho biết, trước đây vào mỗi dịp cuối tuần, khách đông tới nỗi bán hàng không kịp. Tuy nhiên, giờ mỗi ngày chỉ có vài khách lai vãng.
“Tôi bán đồ ăn nhẹ nên còn có khách, chứ nhiều cửa hàng vải vóc, chăn ga, đồ mỹ nghệ hơn hai năm nay vẫn chưa mở lại. Cửa hàng nào mở lại cũng chỉ được khoảng 20% lượng khách so với trước đây mà thôi.
Có những ngày ế quá, 11h trưa đã đóng cửa. Cứ đà này chẳng biết sống bằng cách nào. Cũng may sạp này là của gia đình để lại chứ đi thuê thì tôi không trụ nổi”, chị Hoa nói.
Tương tự, chị Thúy, chủ sạp đồ ăn 108 chợ Bến Thành chia sẻ, hiện giờ buôn bán ngày nào biết ngày đó, ngày nào may mắn thì kiếm được 200 - 300 nghìn đồng.
“Do không mất tiền thuê, chỉ tốn phí giữ sạp, vệ sinh, điện, máy lạnh, bảo vệ nhưng mỗi tháng cũng mất khoảng 4 triệu đồng, lời lãi chẳng bao nhiêu”, chị Thúy thở dài.
Chủ sạp giầy 618 chợ Bến Thành còn rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Quầy có vị trí đắc địa bậc nhất tại chợ Bến Thành, trước kia muốn mua vị trí này cũng chẳng ai bán, còn cho thuê phải tới 45 triệu đồng/tháng.
“Nhưng đến giờ đến treo biển cho thuê cũng không biết nên lấy bao nhiêu thì có người hỏi thuê. Các sạp xung quanh chỉ cho thuê được từ 10 - 15 triệu đồng là nhiều”, chủ sạp cho hay.
Tại chợ An Đông, quận 5, vốn nổi tiếng là chợ bán sỉ lớn và lâu đời nhất TP.HCM, tình cảnh cũng chẳng khá hơn. Kể từ khi hết giãn cách xã hội đến nay, nơi đây vẫn vắng hoe.
Khu vực tầng 2, 3 là nơi bán vải vóc, quần áo, giày dép... gần như đóng nguyên cả dãy. Nhiều biển nhượng sạp, cho thuê chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng giấy dán treo biển cho thuê đã phủ bụi mờ.
Ngày nào cũng vậy, chỉ mới hơn 15h chiều, nhiều sạp đã chuẩn bị dọn hàng ra về vì ế. Trong khi đó trước dịch, đến tối mịt chợ vẫn tấp nập.
“Cả năm nay tìm người cho thuê hoặc sang nhượng lại nhưng không có ai hỏi nên đành bày hàng ra bán, được đồng nào hay đồng nấy”, chị Thủy, chủ một sạp quần áo ở chợ An Đông cho biết.
Không chỉ những chợ truyền thống lớn ở khu vực trung tâm ế ẩm mà những chợ truyền thống nhỏ lẻ khác còn rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn.
Nhiều sạp trong khu bán quần áo chợ Binh Thời đóng cửa vì ế khách
Khoảng 10h sáng 4/5, tại chợ Bình Thới, quận 11, dọc khu vực các quầy hàng quần áo thời trang, giày dép, mỹ phẩm… gần như chỉ có người bán. Thậm chí một tiểu thương còn… mang loa kẹo kéo tới để các bạn hàng ngồi hát giải khuây.
Chị Việt, một tiểu thương kinh doanh quần áo than vãn: “Nếu như mọi năm, thời điểm này tôi đã đầu tư cả trăm triệu đồng nhập quần áo mẫu mới. Nhưng giờ không dám lấy hàng nữa. Kinh doanh hơn 10 năm ở đây chưa bao giờ tôi thấy cảnh này”.
Ở khu bán thực phẩm tươi sống, khu vực đồ khô, khu vực bán trái cây… cũng diễn ra cảnh đìu hiu tương tự.
Bà Nguyện Thi Hội (70 tuổi), chủ quầy hoa quả tươi thở dài: “Giờ nhiều người mua hàng online, rồi các chợ nhỏ tự phát mọc lên như nấm khắp nơi nên ít người chịu gửi xe vào chợ mua đồ”.
Khó cạnh tranh với bán online, siêu thị
Cổng chợ Bình Thới vắng người đi lại mua bán
Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Giám đốc Công ty SLDT, người có hơn 5 năm làm việc và đào tạo cho trên 3.000 lượt tiểu thương tại TP.HCM cho biết, hiện tại nhiều chợ truyền thống chỉ hoạt động được 50% so với trước dịch. Những sạp đang bán thì doanh thu giảm rất nhiều.
Theo ông Đỗ Quốc Tiến, Phó Ban quản lý chợ Bình Thới, trước dịch chợ có trên 500 hộ kinh doanh nhưng đến nay chỉ khoảng hơn 300 hộ còn trụ lại. Số còn lại không phải đóng hẳn mà buộc tạm ngưng do kinh doanh khó khăn.
“Nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ dịch bệnh, giãn cách xã hội thời gian dài. Cùng với đó, các chợ tự phát hoạt động nhộn nhịp nên người dân không vào mua bán”, ông Tiến nói.
Đại diện Ban quản lý chợ Bàn Cờ, quận 3 cũng cho cho hay, chợ có 174 ki-ốt cố định và khoảng 290 vị trí kinh doanh trước nhà dân. Trong số 174 ki-ốt, khoảng 70% tiểu thương kinh doanh trở lại, 30% vẫn đóng quầy. Những tiểu thương chưa hoạt động trở lại đều làm đơn để được ngưng đóng tiền thuế.
Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành thừa nhận, chưa tới 50% số sạp trong chợ mở cửa lại dù mọi hoạt động kinh tế đã bình thường.
“Mỗi chợ có đặc thù khác nhau, với chợ Bến Thành thì hơn 80% là khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế. Trong khi đó, du lịch chưa thể phục hồi như trước dịch. Cùng với đó, nhiều con đường xung quanh chợ đang là công trình xây dựng tuyến Metro số 1 nên nhiều người ngại không ghé vào”, vị này cho biết.
Lý giải thêm, ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Đông A Solution cho rằng, có nhiều nguyên nhân sâu xa khiến các chợ truyền thống hiện nay ế ẩm.
Thứ nhất, xu hướng thương mại điện tử ngày càng sâu rộng và quá trình chuyển dịch này được đẩy nhanh hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Khách hàng có nhu cầu mua, đặt hàng và ship tới tận nơi, chưa kể một số nơi giá còn rẻ hơn giá trong các chợ truyền thống.
Thứ hai, thách thức đối với chợ truyền thống còn đến từ hàng loạt các chuỗi siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi xuất hiện dày đặc quanh các khu dân cư, chung cư, cao ốc. Do tiện lợi, nhanh, chất lượng nên hàng hoá dù đắt hơn 10 - 15% so với chợ truyền thống cũng không phải là vấn đề lớn.
Một nguyên nhân khác, ông Việt cho rằng, giá mặt bằng cho thuê tăng, chưa kể các tiểu thương đang chịu hàng loạt thứ phí quản lý cũng là lí do khiến chợ truyền thống bị giảm bớt sức cạnh tranh với những cửa hàng online.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Giám đốc Công ty SLDT, các tiểu thương trong chợ truyền thống hiện nay tiếp cận chậm với công nghệ số và phần nhiều không biết cách quản lý, tiết kiệm chi phí để kinh doanh hiệu quả.
Chưa kể chất lượng, mẫu mã hàng hóa không đa dạng. Chưa kể, các siêu thị luôn có những chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu, giá cả minh bạch, rõ ràng, đây là điều mà chợ truyền thống không có được.
Một lí do khác không thể kể đến là từ khi dịch bệnh bùng phát, thói quen mua bán online đã tác động tới rất nhiều người.
Cũng từ đây, nhiều người vốn trước kia không biết buôn bán gì nhưng nay đã trở thành những tiểu thương thực thụ ngay tại chính ngôi nhà của mình. Đây cũng là một sự cạnh tranh rất lớn.
Gọi là quán bún cá nhưng khách đến đây chủ yếu để ăn đầu cá nóng hổi cùng nước dùng thơm phức với giá 40 nghìn/suất.
Nguồn: [Link nguồn]