Chợ thành TTTM: Tiểu thương ngao ngán

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương bỏ chợ là những gì đang diễn ra tại các chợ truyền thống biến thành trung tâm thương mại (TTTM) ở Hà Nội. Lãng phí hay bị nhóm lợi ích thao túng?

Lên “đời” hắt hiu

Trung tâm thương mại chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Chợ thành TTTM: Tiểu thương ngao ngán - 1

Chợ Cửa Nam đã lên “đời”. Ảnh: Minh Tuấn.

Sau 3 năm hoạt động, từ con số 500 tiểu thương họp chợ, nay chỉ còn vài chục hộ kinh doanh cầm chừng. Điều gì đang xảy ra tại khu chợ vốn nổi tiếng một thời vì sự thịnh vượng, làm ăn buôn bán phát đạt?

Cả khu chợ có các gian hàng được chia ô sạch sẽ với các quầy rau, quầy thịt, đồ lưu niệm, quần áo, giầy dép..., nhưng số quầy hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các tiểu thương họp chợ chủ yếu ngồi nói chuyện với nhau, hiếm thấy khách tới mua hàng.

Nếu theo mô hình đang làm, các nhóm lợi ích sẽ thâu tóm hết. Các chủ đầu tư khi vào cải tạo chợ, mục đích chính xây cho thuê văn phòng, bán hàng cao cấp; còn chợ truyền thống chỉ là yếu tố phụ nhằm thỏa hiệp với các tiểu thương khi chuyển đổi.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

Chị Nguyễn Thị Khánh, bán quầy thịt tâm sự: Chợ được xây lại hiện đại sạch sẽ hơn, nhưng buôn bán ế ẩm vì không hiểu sao người mua xa lánh.

“Trước đây, mỗi ngày tôi bán 2 con lợn thì bây giờ cả ngày chỉ bán tầm 20 cân thịt. Nghĩ mà tiếc thời buôn bán ngày xưa”, chị Khánh nói.

Buôn bán không được, nhưng chị Khánh cùng nhiều tiểu thương khác trong chợ đang phải gánh phí thuê quầy, tiền điện, nước hàng tháng gấp 2 đến 3 lần so với chợ cũ.

Chị Khánh kể: “Tiền thuê 250.000đồng/m2/tháng (trước 80.000đồng/m2/tháng), tiền điện, nước chia đều theo công-tơ nên chi phí đội lên khiến các tiểu thương không trụ được, đành bỏ chợ. Ngày xưa khách đông, quầy hàng nhiều, chợ mới đúng nghĩa chợ. Nay quầy hàng thưa thớt, chỉ có vài khách quen mua thịt từ mấy chục năm nay vào”.

Chợ thành TTTM: Tiểu thương ngao ngán - 2
Nhiều gian hàng trong chợ Hàng Da bỏ trống. Ảnh: Minh Tuấn.

Biển “Chợ Cửa Nam” được treo hoành tráng ngay ngã tư đường Lê Duẩn-Nguyễn Khuyến-Hai Bà Trưng (Hà Nội) khiến ai đi qua cũng phải ngước nhìn.

Tuy nhiên khi đi vào trong, lên tầng 1, PV Tiền Phong ngạc nhiên khi tại đây chỉ có duy nhất siêu thị mini và một cửa hàng bán thực phẩm. Tại siêu thị, nhiều gian hàng trống và hàng loạt mặt hàng treo đồ giảm giá. Có những mặt hàng giá giảm 50% như các loại dầu gội đầu (sản xuất từ năm 2010).

Chị Mai Thị B, nhân viên thu ngân nói: “Do không có khách nên siêu thị gần như không nhập hàng mới về. Cả ngày hóa đơn thanh toán cho khách hàng chỉ vài trăm nghìn, không đủ trả tiền công nhân viên”. Chợ Cửa Nam sau khi được xây thành trung tâm thương mại, đa số các tầng được cho thuê lại để làm văn phòng.

Chợ Ô chợ Dừa trước sôi động là thế, nay tầng 1 thành nhà hàng karaoke khiến nhiều khách hàng đi qua không biết vào chợ bằng cách nào. Muốn lên trung tâm chợ trên tầng 2, khách lạ phải dò dẫm hỏi han mãi mới tới nơi. Tiền thuê 1 quầy hàng 1 triệu rưỡi/tháng, nhưng tiểu thương cũng khó trụ được”. Còn bao quanh Khu Ô chợ Dừa là văn phòng Ngân hàng Maritime Bank.

Cứ xây bất chấp tầm nhìn?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích: Muốn xây chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, việc đầu tiên cần lưu ý là tầm nhìn quy hoạch; phải nắm được 10 hoặc 20 năm tới, dân số Hà Nội bao nhiêu, cụ thể từng khu vực nội đô và ngoại đô. Thậm chí tầm nhìn phải tính đến 2030 và 2050.

Chợ Hàng Da, Ô chợ Dừa, chợ Cửa Nam là thất bại trong quá trình chuyển đổi từ chợ truyền thống lên trung tâm thương mại. “Nếu theo mô hình đang làm, các nhóm lợi ích sẽ thâu tóm hết. Các chủ đầu tư khi vào cải tạo chợ, mục đích chính xây cho thuê văn phòng, bán hàng cao cấp; còn chợ truyền thống chỉ là yếu tố phụ nhằm thỏa hiệp với các tiểu thương khi chuyển đổi”, ông Phú nói.

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, 40% trung tâm thương mại cải tạo từ chợ không kéo được người vào kinh doanh.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP có 411 chợ.
Bình quân mỗi quận, huyện, thị xã có 14 chợ; mỗi chợ phục vụ khoảng gần 15.200 người. Ước tính, các mặt hàng rau quả, các sản phẩm phân phối trong trung tâm thương mại và siêu thị chỉ chiếm dưới 5% tổng số nhu cầu của người dân. Trong khi các chợ truyền thống chiếm từ 45-50% và 40-45% thuộc về chợ “cóc”, chợ tạm, những người bán rong. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN