Chợ online loạn giá khẩu trang, nhiều người "thừa nước đục thả câu": Ai kiểm soát?
Trong khi nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức tập trung cao độ sản xuất khẩu trang để cung cấp cho thị trường mỗi ngày; thì vẫn còn đó hành vi găm hàng, tăng giá, làm giả khẩu trang thậm chí là lừa đảo,...
“Thừa nước đục thả câu”
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng nhu cầu của người dân tăng cao, nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức tập trung cao độ sản xuất hàng nghìn khẩu trang cung cấp cho thị trường mỗi ngày, nhưng vẫn trong tình trạng khan hiếm hàng.
Nhiều cửa hàng online quảng cáo "sẵn hàng", "còn hàng", "hàng mới về"
Trong khi đó, mặt hàng này vẫn xuất hiện tràn lan trên các trang bán hàng online, các trang mạng xã hội với đủ loại: Khẩu trang ngoại nhập, có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), khẩu trang 3M, N95, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn 3D,....
Không chỉ đa dạng về nhãn hàng, chủng loại như khẩu trang 2-3 lớp, N95, có khả năng lọc bụi mịn cao..., các sản phẩm còn được bán với giá không thống nhất.
Ví dụ, một loại khẩu trang do Hàn Quốc sản xuất, theo lời người bán hàng quảng cáo là được Bộ Y tế Hàn Quốc khuyến cáo sử dụng, được bán với giá 550.000 đồng/hộp 30 chiếc. Cũng loại này, một người bán hàng online khác đề giá 25.000/1 chiếc hay 460.000 đồng/hộp 20 chiếc.
Một người rao bán khẩu trang có xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc) với giá 250.000 đồng/3 chiếc - mức giá đắt hơn rất nhiều so với nhiều loại sản xuất trong nước - nhưng vẫn thu hút nhiều người hỏi mua và “hết trong phút mốt”.
Một người bán hàng khác thì đăng thông tin: “Nhà có người thân làm ở công ty sản xuất khẩu trang nên nhận gom hàng lấy giúp mọi người”…
Chị Khổng Thị Hà – nhân viên bưu điện cho biết, mình chuộng hàng ngoại nhập nhưng trên mạng đủ bài quảng cáo khẩu trang, nước rửa tay... loạn từ nhãn mác đến giá cả nên mua tạm hàng trong nước để dùng.
Cũng theo chị Hà, các trang bán hàng online chị tham gia mọi khi thường đăng bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm, giờ mọi người thi nhau bán sang các mặt hàng phòng chống virus Covid - 2019, như khẩu trang, nước rửa tay,...
Đặc biệt, lợi dụng lòng tin, nhu cầu tìm mua khẩu trang của nhiều người lên cao, nhiều kẻ xấu đã rao bán khẩu trang trên mạng xã hội facebook để lừa đảo với số tiền lớn.
Mới đây (ngày 18/2) Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Liên (28 tuổi, ngụ tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Phòng Cảnh sát hình sự Công a tỉnh Thanh Hóa, lợi dụng nhu cầu cao về việc mua khẩu trang của người dân để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Liên đã lập tài khoản facebook mang tên “Vy Lê”.
Sau đó, Liên đăng tải thông tin trên tài khoản cá nhân nous là mình có số lượng lớn khẩu trang y tế của một nhà máy, và sẵn sàng bán số lượng bao nhiêu cũng có.
Biết thông tin trên, ngày 8.2, chị L.T.M (ngụ tại phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa, Thanh Hóa) đã liên lạc với Liên hỏi mua khẩu trang. Sau khi thống nhất giá cả, từ ngày 8-11.2, chị M. đã chuyển cho Liên tổng cộng 566,6 triệu đồng để mua 600 thùng khẩu trang y tế.
Sau khi chuyển tiền, chị M. liên hệ rất nhiều lần, nhưng Liên không chuyển khẩu trang như đã hứa. Sau đó chị M. đã trình báo sự việc với cơ quan Công an.
Tại cơ quan điều tra, Liên đã thừa nhận các hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của chị M. Ngoài ra, với thủ đoạn trên, Liên còn lừa đảo, chiếm đoạt của 1 người dân ở thành phố Đà Nẵng và 1 người dân ở tỉnh Cao Bằng với tổng số tiền là 38,8 triệu đồng.
Ai kiểm soát?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có cơ quan chuyên môn quản lý nắm bắt tình hình sâu sát để làm rõ thực trạng cung-cầu, thừa hay thiếu khẩu trang. Tuy nhiên, ông tin rằng, sự rối loạn trên thị trường khẩu trang hiện nay xuất phát trước hết từ tâm lý lo lắng, sợ hãi của người dân trước dịch bệnh.
“Với khẩu trang, dù cung-cầu chưa hẳn đã lệch nhưng bởi tâm lý lo lắng, sợ hãi của người tiêu dùng, bởi tâm lý trục lợi của người kinh doanh nhỏ lẻ nên mặt hàng này bị đẩy giá lên cao", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích và khẳng định cần thiết lập một hệ thống quản lý đúng quy luật khách quan, đúng cơ chế thị trường.
Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) đồng thời đã phát đi khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang.
Với các vật dụng liên quan đến sức khỏe, người tiêu dùng nên tìm mua mặt hàng này tại các điểm bán uy tín, tin cậy mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã công bố.
Tổng cục QLTT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.
Đồng thời, khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Cục QLTT Hà Nội vừa phát hiện một xưởng sản xuất khẩu trang dùng giấy vệ sinh thay cho lớp kháng khuẩn trong việc sản...
Nguồn: [Link nguồn]