Chợ hải sản ế ẩm sau khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân
Lo ngại về việc xả nước thải Fukushima đè nặng lên thị trường hải sản tại Hàn Quốc
Khung cảnh đám đông thưởng thức cá sống tại Chợ bán buôn thủy sản Noryangjin dần trở nên hiếm hoi trong thời gian gần đây do lo ngại ngày càng tăng về việc Nhật Bản xả nước thải phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.
Một số người đến chợ cá lớn nhất Hàn Quốc ở phía nam Seoul đều có chung một tâm lý là tự hỏi khi nào hoặc liệu họ có ghé thăm lần sau hay không vì lo ngại về độ an toàn của hải sản.
Lee Jung-sook, 26 tuổi, đi cùng bạn mình, cho biết: "Tôi thích cá sống nên tôi là khách thường xuyên ở đây. Nhưng hiện tại, giữa những lo ngại về vấn đề nước thải phóng xạ, tôi đang tự hỏi liệu mình có mua nữa hay không.”
Như người phụ nữ 26 tuổi bày tỏ, việc xả nước ở Fukushima đang làm dấy lên mối lo ngại của nhiều người dân địa phương, khiến thị trường thủy sản trở thành nạn nhân trong chuỗi thương mại.
Kim Duck-ho, trưởng nhóm quảng cáo tại chợ Noryangjin, cho biết: “Mặc dù kỳ nghỉ lễ Chuseok đang đến gần nhưng mọi người ở đây đều lo lắng rằng việc kinh doanh sẽ không suôn sẻ do vấn đề nước thải phóng xạ”.
“Hôm nay tôi chưa có một khách hàng nào”, một người bán cá tại Chợ Nông sản và Hải sản Mapo ở phía tây Seoul nói với The Korea Times vài giờ sau khi chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch xả thải.
Tiểu thương lao đao
Chợ Jagalchi, chợ hải sản nổi tiếng nhất ở thành phố cảng phía Đông Nam Busan và thị trấn cá sống Millak gần đó, nổi tiếng với cụm nhà hàng sashimi, vẫn gần như vắng tanh khách vào ngày 24/8. Chợ cá Dongmun trên đảo Jeju ở phía Nam cũng có rất ít người đến mua.
“Trước đây, chợ thường nhộn nhịp vào khoảng 10 giờ sáng và từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, nhưng giờ chợ chẳng khác gì một xa lộ vắng bóng khách”, một người buôn hải sản ở độ tuổi 50 đang kinh doanh ở chợ Dongmun cho biết. Chợ Dongmun đã hoạt động được hơn 20 năm.
Một thùng cá đuôi vàng, một loài cá phổ biến, thường có giá 40.000 - 50.000 won (724.000 - 906.000 VNĐ) tại Chợ cá hợp tác Busan - nơi xử lý khoảng 30% tổng lượng hải sản phân phối trên toàn đất nước Hàn Quốc. Hôm 24/8, một thùng cá này đã được bán với giá thấp hơn một nửa so với giá thông thường, trong khi giá cá thu, loài hải sản chủ yếu của người Hàn Quốc, có giá rẻ hơn bình thường khoảng 10% đến 20%.
Cha Deok-ho, chủ tịch hiệp hội thương mại tại chợ Noryangjin cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tiếp tục thử nghiệm chất phóng xạ và chỉ bán những sản phẩm đã được kiểm nghiệm. Tôi chỉ hy vọng mọi người nhận ra điều này”.
Chính quyền khu vực tỉnh Gangwon cũng có kế hoạch mở rộng các cuộc kiểm tra độ phóng xạ đối với hải sản, từ 2 lần một tháng sang tiến hành hàng ngày. Trong khi đó, các nhà chức trách đảo Jeju tăng phạm vi kiểm tra độ phóng xạ thường xuyên lên khoảng 200 loài hải sản từ 70 loài trước đó.
Nguồn: [Link nguồn]
Loại cua này có phần thịt rất chắc và ngọt, lại có vị thơm riêng không giống với các loại cua khác.