Chợ đô thị giữa “cánh đồng hoang”

Đô thị hóa phát triển nhanh trong những năm gần đây đã khiến nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM bị “xóa sổ”. Một số địa phương đã quy hoạch xây dựng chợ mới, nhưng hiệu quả kinh doanh những ngôi chợ này đang là dấu hỏi. Trường hợp chợ mới Bình Khánh (quận 2) là câu chuyện khá cụ thể. Với gần 300 sạp cùng thiết kế một trệt hai lầu (để buôn bán), chợ Bình Khánh đi vào hoạt động hơn nửa năm qua nhưng hiện nhiều tiểu thương đang như “ngồi trên lửa”.

Dưới đây là nỗi niềm của tiểu thương Nguyễn Thị Gái, chủ sạp gia vị, tại chợ mới Bình Khánh:

“Ngày 20-12-2011 chúng tôi chuyển tới đây. Hơn nửa năm trôi qua, tưởng sẽ “an cư” nhưng nay nhiều tiểu thương đang “khóc ròng” vì chợ quá ế.

Chợ mới có một trệt hai lầu, trong đó tầng trệt bán gia vị, trái cây, trứng gia cầm; lầu một bán quần áo; lầu hai bán giày dép, đồ gốm sứ, túi xách... Tuy nhiên, ngay từ đầu việc sắp xếp chợ đã sai vị trí gây bất tiện cho người tiêu dùng. Chẳng hạn hàng cá phải đi liền với gia vị, trong khi chợ này lại xếp hàng cá ở ngoài, còn gia vị “nhốt” trong lồng; hay nhựa, sành sứ mang vác nặng nhưng lại xếp trên lầu thì ai mua được.

Lúc trước ở chợ An Khánh cũ, ngày nào ế lắm tôi cũng bán được 1kg sả, còn khi về đây cả tuần chưa bán được nửa ký. Doanh thu ở chợ cũ bình quân mỗi ngày 5-6 triệu đồng, giờ qua đây bán chỉ mong đủ mua rau muống, thậm chí nhiều chị em sạp giày dép cả tháng không bán được một đôi, là diện chính sách nhưng nhiều tiểu thương phải ra đường cạnh tranh với hàng rong.

Tôi đã có hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa thấy chợ nào như chợ này. Quy hoạch thì quá xa khu dân cư, vào chợ nhiều mặt hàng muốn mua phải lên lầu, thiết kế không phù hợp với chợ truyền thống, sạp quay mặt vào trong tường... những lý do đó khiến tiểu thương chỉ ngồi “ngáp ngủ” cả ngày.

Chợ mới giữa đồng hoang nhưng từ đường chính vào trong chợ gần một cây số không một bóng đèn, tiểu thương đi buôn bán từ 1g-2g sáng mà tối thui. Khi vào chợ thì ban quản lý che rào chắn, thậm chí nhiều mối hàng tôi cho họ địa chỉ vẽ đường nhưng vẫn không tìm ra. Vậy thử hỏi người mua nào có kiên nhẫn tìm đến chợ.

Tiểu thương bị giải tỏa đã thiệt thòi, cơ quan quản lý khi đưa chúng tôi vào lại không nghiên cứu kỹ về không gian, vị trí chợ, thói quen người tiêu dùng, không lắng nghe tâm sự tiểu thương... giờ chúng tôi gặp khó khăn lại quay lưng. Đau xót hơn là nhiều sạp hàng bán không được, hàng hóa hết hạn sử dụng hư hỏng, mốc meo nhưng ban quản lý chợ chẳng ngó ngàng.

Phần lớn chúng tôi bán là chỉ để giữ sạp, giờ tiến thoái lưỡng nan đành “chịu chết” ở đây!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trí ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN