Chợ đầu mối trước ngày cao điểm phục vụ Tết
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, hàng hóa đổ về chợ đầu mối với rất nhiều chủng loại, từ trái cây đến các loại rau củ quả, hoa tươi, đồ khô... Hầu như loại nông sản nào có mặt trên thị trường, thì cũng đều có ở chợ đầu mối Thủ Đức...
Từ khoảng 22h, trong không gian yên tĩnh của màn đêm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) lại nhộn nhịp. Càng cận Tết, không khí của chợ đầu mối này càng nhộn nhịp hơn. Từng đoàn xe chở hàng từ các tỉnh nối đuôi nhau đổ về chợ, những cửu vạn chờ sẵn thoăn thoắt bốc hàng xuống, chuyển vào chợ.
Sau khi kết thúc việc nhập hàng vào chợ, từ khoảng 0h đến khoảng 5-6h sáng là việc mua bán giữa thương nhân chợ đầu mối với khách hàng TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận…
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, hàng hóa đổ về chợ đầu mối với rất nhiều chủng loại, từ trái cây đến các loại rau củ quả, hoa tươi, đồ khô... Hầu như loại nông sản nào có mặt trên thị trường, thì cũng đều có ở chợ đầu mối Thủ Đức.
Ngoài những loại trái cây là đặc sản của các địa phương vùng ĐBSCL như dưa hấu (Long An), cam, bưởi (Vĩnh Long); quýt (Lai Vung); xoài, nhãn, vú sữa (Tiền Giang),... thì các loại trái cây là đặc sản ở khu vực phía Bắc xa xôi cũng không thiếu; nào là quýt Hà Nội, cam sành Hà Giang, cam Canh Hòa Bình,...
Đặc biệt, khác với mọi năm, sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc về chợ đầu mối Thủ Đức năm nay giảm hẳn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng nhập chợ với những loại quả quen thuộc như: cam, quýt, táo, lê, nho, lựu, hồng...
Hàng trái cây về chợ đầu mối Thủ Đức tấp nập trong những ngày cận Tết.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, người dân cũng đã có chuyển biến về nhận thức, họ ưu tiên chọn mua những sản phẩm an toàn. Vì vậy, người dân ngại mua các loại trái cây Trung Quốc vì sợ dính chất cấm, chất bảo quản vượt mức cho phép gây hại sức khỏe, nên sức mua không nhiều.
Ngoài hàng Trung Quốc, hàng “ngoại” năm nay góp mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức còn có hàng xuất xứ ở châu Âu, châu Á (như nho Mỹ, Úc, New Zealand, dâu Hàn Quốc, bòn bon Thái Lan, hồng Hàn Quốc, Nhật Bản,..; tỏi, gừng, hành nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi). Các loại nông sản sản xuất trong nước và hàng Trung Quốc thường được tiểu thương mua về bán tại các chợ lẻ. Còn những mặt hàng có xuất xứ châu Âu, châu Á... là hàng cao cấp được đưa vào bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị...
Chỉ không bao lâu nữa đến Tết nên hiện lượng hàng nhập chợ đầu mối Thủ Đức tăng đột biến, dễ thấy nhất là củ cải trắng, củ cải đỏ (Đà Lạt), củ kiệu (Khánh Hòa, các tỉnh ĐBSCL), hành (Khánh Hòa, Sóc Trăng, Trà Vinh). Hàng về chợ tăng mạnh, nhưng giá khá mềm so với trước đây.
Ví dụ như củ kiệu, có giá từ 40.000 đồng/kg, giảm khoảng 30-35% so với đầu vụ. Chủ vựa Loan Chiến (chuyên bán rau củ quả) cho biết, kiệu về chợ đầu mối Thủ Đức năm nay chủ yếu từ Khánh Hòa, giá kiệu phụ thuộc vào từng loại và được trồng trên cát trắng hoặc cát đen. Nếu kiệu trồng trên cát đen thì giá cao hơn so với trồng trên cát trắng.
Được hỏi về giá cả, hầu hết tiểu thương tại chợ đầu mối có cùng nhận định nhiều khả năng từ nay đến Tết giá sẽ không tăng do đã vào mùa. Vẫn theo các tiểu thương, lượng hàng về chợ đầu mối Thủ Đức trong những ngày gần đây khoảng 4.000 - 4.500 tấn/đêm, tăng nhẹ so với ngày thường. “Giá cả vẫn ổn định do sức mua chưa tăng. Thấy vậy chứ vẫn còn nhiều mặt hàng phục vụ cho thị trường Tết nhưng thời điểm này, chúng tôi vẫn còn ghìm hàng, chờ cao điểm, thường tới 26 đến 28 Tết, sẽ bung ra bán”, một tiểu thương cho biết.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có 1.300 điểm kinh doanh, số lượng hàng về chợ hàng đêm khoảng 3.500 tấn – 5.000 tấn hàng hóa, dự kiến thời điểm Tết lượng hàng này có thể tăng lên tới 7.500 - 8.000 tấn, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh, thành. Về mặt hàng rau, chợ có trên 100 chủng loại và trái cây khoảng 80 chủng loại. Tất cả các mặt hàng đưa về chợ đầu mối đều có đăng ký nguồn gốc.
Được hỏi thêm về công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh tại chợ, bà Hà cho biết, trước đây đơn vị phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh chọn ngành hàng, mặt hàng lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi đêm lấy từ 3-10 mẫu để kiểm nghiệm.
“Nếu lô hàng lấy mẫu kiểm tra bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì Công ty Chợ yêu cầu thương nhân thông báo đến nơi cung cấp biết lô hàng này bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật để họ không tiếp tục vi phạm. Nhưng hiện nay, việc kiểm tra lấy mẫu kiểm định là trách nhiệm của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh.
Hiện, Ban quản lý chợ đang vận động các thương nhân đăng ký kiểm định mẫu, để trên cơ sở đó nâng chất lượng sản phẩm, để người tiêu dùng tín nhiệm sản phẩm của thương nhân”, bà Hà kể thêm.