Chịu thua nạn cắt tai, mài vỏ bình gas!

Sự kiện: Kinh Doanh

Tình trạng chiếm giữ, cắt tai, mài vỏ bình gas của nhau đã tồn tại từ lâu, dù có khá nhiều quy định để quản lý, vẫn không thể khắc phục được.

Bộ Công Thương vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Chỉ thị số 13, trong đó nhấn mạnh sẽ xóa sổ những điểm sang chiết trái phép.

Chiếm dụng bình gas

Ông Đoàn Trọng Thà, phụ trách pháp chế - Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng tình trạng chiếm dụng, cắt tai, mài vỏ bình gas không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà còn dẫn đến hoạt động sang chiết gas trái phép, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với doanh nghiệp (DN). 

"Một vỏ bình gas sản xuất ra mất từ 450.000-500.000 đồng. Đơn vị chiếm dụng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn để "cắt tai, mài vỏ" biến thành bình của mình, DN bị chiếm dụng vỏ không có bình để sang chiết gas, phải đầu tư làm vỏ bình mới với chi phí rất lớn. Trong thời gian làm vỏ bình, hãng đối thủ đã chiếm thị phần và các khách hàng cũ" - ông Thà nói.

Đại diện hãng gas Vạn Lộc, ông Nguyễn Lê Như kể chuyện cuối tháng 9 vừa qua, DN này phát hiện số lượng vỏ bình gas của hãng mình lên tới gần 50.000 chiếc bị chiếm giữ tại kho hàng Dị Sử (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) và tại Cụm Công nghiệp làng nghề Đông Thọ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Tuy nhiên, khi các đơn vị liên quan tiến hành thực nghiệm cắt vỏ bình gas để đối chiếu nhãn mác bên ngoài thân vỏ và chữ dập nổi bên trong thì kết luận "oan" là "hãng gas Vạn Lộc cắt tai mài vỏ".

Chịu thua nạn cắt tai, mài vỏ bình gas! - 1

Tình trạng chiếm giữ, cắt tai, mài vỏ bình gas sắp tới đây sẽ bị xử lý triệt để. Ảnh: Tấn Thạnh

Các hãng như Hồng Hà Gas, Trần Hồng Quân, Venus, An Dương, Anpha Petrol… cũng bức xúc về thực trạng vỏ bình bị chiếm giữ. Nhất là khi một lượng lớn vỏ bình của các đơn vị bị chiếm giữ, tháo bỏ van sau đó "tiêu hủy" bằng cách thanh lý sắt vụn, gây lãng phí rất lớn cho doanh nghiệp, bởi một vỏ bình gas bán sắt vụn chỉ được khoảng chừng 100.000 đồng.

Đại diện hãng Trần Hồng Quân Gas cho biết đơn vị này bị chiếm giữ 300.000 vỏ bình. Muốn làm bình mới, sẽ phải mất chi phí tới hàng chục tỉ đồng. "Nếu tình trạng này không có phương án để chấm dứt, nhiều hãng gas sẽ phải đối mặt với phá sản khi khách hàng mất niềm tin, quay lưng lại không sử dụng gas nữa" - đại diện hãng này nói.

Một đại diện đến từ nước ngoài, ông Jimba Kentaro, Tổng Giám đốc Anpha Petrol, cũng cho hay ông mới sang Việt Nam tham gia thị trường gas được 2 năm nhưng đã nhận thấy vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực gas ở Việt Nam quả là khốc liệt. "Bên Nhật Bản cũng không tránh khỏi việc giữ vỏ bình của nhau nhưng thời gian tối đa là 7 ngày, sau đó phải hoàn trả cho chủ hãng. Nếu không, sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ, với thực trạng này, chỉ khoảng 10-15 năm nữa, thị trường gas Việt Nam sẽ lụi tàn vì người dân sẽ quay lưng, không dùng gas nữa mà chuyển sang dùng điện" - ông Jimba Kentaro cảnh báo.

Người tiêu dùng phải tự tẩy chay

Về giải pháp xử lý, nhiều DN cho rằng ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các đơn vị sang chiết gas, áp dụng chế tài mạnh về hành chính và hình sự, thì cũng phải tuyên truyền cho người dân kỹ năng nhận biết thế nào là vỏ bình gas đúng quy chuẩn, chất lượng, không bị cắt tai, mài vỏ. Từ đó, người dân sẽ tự tẩy chay những hãng gas gian dối. "Cần có quy định rõ ràng về luật pháp việc các đơn vị có được phép giữ bình của nhau hay không. Nếu được giữ thì số lượng, thời gian là bao lâu và việc lưu giữ phải được công bố công khai. Nếu chủ sở hữu có văn bản yêu cầu trả lại thì khi đó phải trả" - một chủ DN góp ý.

Cũng theo các DN, lĩnh vực gas có đặc thù riêng bởi phân phối hầu hết qua các đại lý, các điểm bán lẻ rồi mới đến tay người tiêu dùng. Việc thu gom cũng tương tự, tức là từ điểm bán lẻ, đại lý rồi mới về hãng. Như vậy, khó tránh khỏi việc nhầm lẫn vỏ bình. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng có những điểm tập kết, chiếm giữ vỏ bình của nhau lên tới hàng năm trời, bình han gỉ, hỏng và phải vứt bỏ mà không xử lý được thì rất lãng phí. "Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ động cơ, mục đích của việc chiếm dụng số lượng lớn những vỏ bình này và có giải pháp xử lý. Các đơn vị kinh doanh gas phải tự quản lý các đại lý của mình, tránh việc nhầm lẫn vỏ bình của nhau" - một DN bày tỏ ý kiến.

Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), ông Trịnh Văn Ngọc, cho hay sắp tới đây, việc giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas sẽ chú trọng vào thanh tra, kiểm tra đột xuất để sớm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh gas. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp bị phạt nói gì?

Ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương (Tây Ninh), cho biết hồi cuối tháng 5-2017, công ty của ông bị kiểm tra và sau đó bị xử phạt hành chính khoảng 200 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào chai của công ty trong thời gian 2 tháng.

Không đồng tình với quyết định xử phạt, ông Nhật cho rằng sở dĩ DN ông bị phạt là do các văn bản pháp luật hiện hành đang có lợi cho các DN lớn. Cụ thể, luật quy định vỏ bình gas là sở hữu của các công ty gas nên khi vỏ bình có mặt tại trạm chiết mà không có văn bản chấp thuận của công ty gas thì trạm chiết bị phạt. Nhưng thực tế, vỏ bình gas đã được "bán đứt" cho người tiêu dùng và họ dùng bình này để "đổi gas" ở những lần sau. Ở các nước, người tiêu dùng đem bình gas đi bơm là bình thường, không quá phức tạp như ở Việt Nam.

V.Ngọc

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Dương (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN