Chính thức đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường xăng dầu
Mức tăng thuế bảo vệ môi trường cao nhất là dầu hoả tăng 1.700 đồng/lít, xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít... mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít.
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa thừa uỷ quyền của Chính phủ ký Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó có nội dung đề xuất Quốc hội đồng ý cho tăng thuế BVMT đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Bộ Tài chính đề xuất tăng "kịch trần" thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Mức tăng thuế cao nhất là dầu hoả tăng 1.700 đồng/lít, mức tăng thấp nhất là dầu diesel tăng 500 đồng/lít. Mặt hàng xăng tăng thuế thêm 1.000 đồng/lít. Như vậy, đây là lần đầu tiên, Chính phủ để xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho đánh thuế BVMT ở mức cao nhất trong khung thuế suất hiện hành đối với tất cả các sản phẩm xăng dầu.
Giải trình về lý do tăng thuế, Bộ Tài chính cho biết giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và Châu Á. Giá xăng, dầu Việt Nam đứng thứ vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước); thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít, Singapore là 17.394 đồng/lít, Philippines là 3.451 đồng/lít, Hongkong là 26.950 đồng/lít.
"Qua đánh giá thực hiện cho thấy, mức thuế BVMT đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này; ngoài ra, quy định về tên hoạt chất, tên thương phẩm một số hàng hóa tại Nghị quyết về Biểu thuế BVMT hiện hành chưa đồng bộ với pháp luật có liên quan, do đó cần được nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Cụ thể: xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần thiết điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu (nằm trong khung biểu thuế BVMT) nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường"- Bộ Tài chính lý giải.
Về mục đích tăng thuế, Bộ Tài chính viện dẫn quan điểm tăng thuế để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường; khuyến khích việc sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khắc phục những hạn chế về mức thuế BVMT hiện hành của một số hàng hóa. Phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT. Động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.
Trước đó, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Trong đó đề xuất nâng khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng lên mức từ 4.000 đồng - 8.000 đồng/lít, tăng gấp đôi so với hiện hành. Tuy nhiên sau đó Chính phủ đã xin lùi thời hạn trình dự án Luật đến năm 2019. Thay vào đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về Biểu thuế BVMT như đã nói trên.
Mức tăng thuế BVMT đối với từng mặt hàng theo đề xuất: + Xăng: Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít. + Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít. + Dầu mazut, dầu nhờn: Đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít. + Mỡ nhờn: Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg. + Dầu hỏa: Đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít. |