Chính sách mua gạo “khó hiểu” của TQ

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đầu năm đến nay ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, từ hơn một tháng qua, việc xuất khẩu gạo đang bị phía Trung Quốc gây khó dễ.

Cho đến trước tháng 4 năm nay, việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc diễn ra khá thuận lợi. Nội trong bốn tháng đầu năm này, khách hàng Trung Quốc mua tới 1,2 triệu tấn gạo từ Việt Nam, trong đó đã nhận 400.000 tấn, số còn lại sẽ giao trong các tháng còn lại của năm 2012. Theo đánh giá, đây là lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất từ trước đến nay. Trong năm 2011, doanh nghiệp chỉ xuất được 250.000 tấn.

“Chính sách khó hiểu”

Trao đổi với báo chí chiều 7.6, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay vụ đông xuân năm nay thương nhân Trung Quốc xuống tận các tỉnh vùng trọng điểm lúa đồng bằng sông Cửu Long tìm mua gạo chất lượng cao, gạo thơm. Họ vào trực tiếp nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng, yêu cầu mở L/C nhập chính ngạch. Thế nhưng mới đây, việc mua gạo đã bị “hạn chế một cách tối đa”, mặc dù thị trường này vẫn có nhu cầu rất lớn. Bên cạnh đó, có trường hợp họ bỏ cả hợp đồng.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho hay hồi đầu năm nay hai bên đã thành lập trung tâm xúc tiến Thương mại Việt Nam – Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác mua bán gạo. Nhưng đến thời điểm này, theo đánh giá của VFA, chính sách mua gạo của khách hàng Trung Quốc là…“không hiểu được”. Họ liên tục thay đổi quyết định: dừng mua, rồi lại đột ngột mua trở lại. Cách làm này chủ yếu để làm thế nào hạ giá gạo xuống mức thấp nhất. “Chính sách mua gạo “đóng, mở” được áp dụng đồng loạt ở cả thị trường chính ngạch và tiểu ngạch”, ông Phong nói.

Trong tháng 4 và tháng 5.2012, các doanh nghiệp Philippines từng gánh chịu thiệt hại nặng nề do chính quyền Trung Quốc đột ngột kiểm tra chất lượng chuối nhập khẩu từ quốc gia này. Hàng ngàn tấn chuối chất đầy các tàu, không được bảo quản lạnh bị giam nhiều tuần ở cảng Trung Quốc nên hư thối, phải bỏ. Chính sách nói trên sau đó được các chuyên gia nhìn nhận là có liên quan đến căng thẳng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa hai bên.

Chính sách mua gạo “khó hiểu” của TQ - 1

VFA cho rằng, việc tiêu thụ lúa gạo nửa cuối năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn

Khách đòi trộn gạo dở vào gạo ngon!

Cũng theo thông tin từ VFA, thời gian qua, việc mua bán gạo sang Trung Quốc còn có thêm trục trặc khác là khách hàng Trung Quốc sang yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trộn gạo trắng vào gạo thơm nhằm trục lợi. Theo tính toán thì với giá gạo trắng khoảng 8.000 – 8.500 đồng/kg, nếu trộn 50% vào với gạo thơm và bán dưới mác gạo thơm thì thương nhân Trung Quốc sẽ lợi 1/3 giá.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá việc làm trên của một số khách hàng Trung Quốc không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế của họ mà có thể còn nhằm hạ thấp uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Sâu xa hơn, việc này có thể phá nát nền sản xuất gạo chất lượng cao, gạo thơm của Việt Nam, đồng thời phá thị trường gạo Việt Nam tại Trung Quốc.

VFA đánh giá đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Theo ông Trương Thanh Phong, ngay sau khi phát hiện được thông tin này, VFA lập tức cảnh cáo các doanh nghiệp tiếp tay cho thương nhân Trung Quốc, đồng thời có công văn chỉ đạo nghiêm cấm hành vi trộn gạo đối với tất cả doanh nghiệp hội viên khác. VFA nhấn mạnh: doanh nghiệp Việt Nam cần cảnh giác trước hành động phá hoại này. Trong trường hợp phát hiện ra gạo thơm bị trộn tại thị trường Trung Quốc, VFA sẽ điều tra nguồn xuất khẩu để truy cứu trách nhiệm doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 5, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 5 triệu tấn gạo, trong đó đã giao 2,7 triệu tấn. Dự kiến đến hết tháng 6, doanh nghiệp sẽ giao thêm khoảng 750.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu nửa đầu năm 2012 lên 3,3 triệu tấn, thấp hơn so với con số 3,8 triệu cùng kỳ 2011 và giá bán cũng thấp hơn 15 USD/tấn.Dự kiến, sáu tháng cuối năm cần xuất thêm 3,5 triệu tấn gạo sau khi cân đối tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hết lượng gạo trong bối cảnh sản lượng gạo thế giới năm nay dự báo tăng khoảng 3% nhưng giao dịch thương mại gạo lại giảm 3%, là rất khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Bảy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN