Chinh phục cây tỷ đô: “Nói nhiều, chưa thấy triển khai gì”
“Tôi thấy báo chí nói đến vấn đề mắc ca rất nhiều, các bộ ngành địa phương, các doanh nghiệp cũng tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, nhiều kế hoạch, chính sách được đưa ra bàn thảo, thúc đẩy phát triển “cây tỷ đô”. Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch đó vẫn đang trên giấy, chưa thấy triển khai gì”.
Đây là sự sốt ruột thực sự của ông Trần Vinh, một người có 140ha mắc ca tại xã Tà Nung (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Ước mơ làm giàu với cây tỷ đô của ông Trần Vinh đang gặp phải thử thách nghiêm trọng vì thiếu vốn.
Vốn đầu tư – từ đâu?
“Hiện nay diện tích trồng mắc ca của tôi lên đến 140ha, trong đó có 40ha sang năm sẽ cho thu hoạch, một số vườn đã cho thu hoạch từ vài năm trước với năng suất 30kg/cây. Tính đến thời điểm này, sau 10 năm tôi đã đầu tư 56 tỷ đồng cho dự án mắc ca. Đất Lâm Đồng rất thích hợp để trồng mắc ca, dự án của tôi chắc chắn không thất bại, tôi đã chủ động được nguồn giống, chủ động được đầu ra, và khó khăn hiện nay của tôi là không tiếp cận được vốn vay. Tôi cần vài tỷ đồng để duy trì dự án, tuy nhiên vấn đề vay vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã liên hệ nhiều ngân hàng, có cả Agribank… họ đánh giá dự án của tôi rất khả thi, nhưng để vay được vốn họ cần có tài sản thế chấp là đất và ngân hàng không chấp nhận để tôi thế chấp bằng vườn mắc ca...” - ông Trần Vinh bày tỏ.
Tiếp tục câu chuyện “nói và làm”, ông Vinh chia sẻ: “Tôi thấy báo chí nói đến vấn đề mắc ca rất nhiều, các bộ ngành địa phương, các doanh nghiệp cũng tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, có nhiều kế hoạch, chính sách được đưa ra bàn thảo, một số ngân hàng cũng lên tiếng tạo điều kiện cho người dân phát triển, mở rộng trồng “cây tỷ đô”. Tuy nhiên đến thời điểm này tất cả các kế hoạch đó vẫn đang trên giấy, chưa thấy triển khai gì. Những người trồng mắc ca như tôi đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan quản lý, từ các tổ chức tín dụng để phát triển vùng trồng mắc ca”.
Vườn mắc ca tiền tỷ của ông Trần Vinh đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng nếu không có vốn đầu tư. Ảnh: Nguyễn Tiến Thắng.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trồng mắc ca, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/NĐ-CP, trong đó quy định hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đối với nhà đầu tư có dự án trồng mắc ca với diện tích từ 50ha trở lên. Tuy nhiên, hầu hết nông hộ riêng lẻ không “tích tụ” đủ đất đai, hoặc không đủ vốn để đầu tư cho cây mắc ca với diện tích lớn, nên để nhận được ưu đãi của Chính phủ, các nông hộ cần liên kết thành tổ hợp tác, hay hợp tác xã, hoặc liên kết với doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu. Nhưng các hợp tác này cũng đang rất ít trên thực tế. Liệu ai có thể hỗ trợ người dân tạo ra liên kết này?
Cần hỗ trợ nông dân từ những việc cụ thể
Theo Giáo sư Hoàng Hòe – Nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NNPTNT) - một trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu mắc ca, bên cạnh những vấn đề lớn như giống, quy hoạch, giải pháp thị trường cho tương lai, thì việc hỗ trợ những nông dân đã và đang trồng mắc ca hiện tại cũng có không ít việc cần làm. Vào tháng 9 tới đây, tại các vùng trồng mắc ca trong nước, sẽ có khoảng hơn 100 tấn quả được thu hoạch. Hầu hết bà con trồng mắc ca chưa biết rõ khi nào quả chín và thời điểm thu hoạch tốt nhất. Nếu cứ hái non, doanh nghiệp sẽ không mua. Nếu không sấy đúng cách mà đem phơi nắng, hạt hỏng, doanh nghiệp cũng không mua. Vì vậy, doanh nghiệp hoặc các tổ chức liên quan nên hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch và sơ chế đúng cách, để đảm bảo chất lượng và giá trị của hạt mắc ca.
Một trong những doanh nghiệp tham gia thị trường mắc ca sớm nhất tại Việt Nam là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Maccadamia quốc tế (IDMA). Trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang bàn việc xin đất, huy động vốn trồng cây, thì IDMA (thành lập từ năm 2010) đã nghiên cứu và sản xuất các loại giống mắc ca, tạo lập vùng nguyên liệu, bắt tay xây dựng mạng lưới thu mua, sơ chế biến, đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm từ hạt mắc ca. Đây cũng là công ty đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca riêng (Delix).
Theo ông Vũ Hoàng Phương - Tổng Giám đốc công ty IDMA, việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và mô hình thị phạm (trồng mẫu) có ý nghĩa rất quan trọng, vì sẽ giúp chúng ta xác định được những vùng trồng mắc ca phù hợp. Hiện nay, nhiều nông dân trồng mắc ca theo xu hướng mà chưa tìm hiểu kỹ về cây giống nên khi có những luồng thông tin trái chiều sẽ có tâm lý hoang mang, lo sợ. Những mô hình trồng mẫu này có tác dụng giúp người trồng trang bị thêm kiến thức, kỹ năng trồng và chăm sóc cây để mang lại hiệu quả cao.