Chiêu trò livestream bán hàng hiệu Gucci, Bubberry, Louis Vuitton giá vài trăm ngàn đồng
Shop thời trang livestream bán hàng quần áo, giày dép mỗi ca từ 1-2 tiếng, giới thiệu sản phẩm đều là hàng hiệu, nhưng giá chỉ vài trăm ngàn đồng.
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), lực lượng QLTT vừa phối hợp với các lực lượng khác tiến hành kiểm tra, thu giữ hàng ngàn sản phẩm quần áo nhái thương hiệu nổi tiếng Gucci, Dior, Louis Vuitton... tại chuỗi cửa hàng AE Shop Việt Nam ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương.
Đây là hệ thống bán quần áo, các sản phẩm thời trang khá nổi trên các trang mạng xã hội với các chiêu trò livestream bán hàng giật gân, câu khách.
Cụ thể, tại cơ sở AE Shop Việt Nam, số nhà 167 đường Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 4.686 sản phẩm giày, dép, quần áo, thắt lưng,... tại cơ sở này mang các nhãn hiệu: Louis Vuitton, D&G, Dior, Lacoste, Adidas, Givenchy, Bubberry, Mango, Clarks, Hermes, Philip Plein, Gucci, Versace, Nike, DSQuared, Fendy. Cơ sở này do ông Phạm Ngọc Phong làm quản lý, người này thừa nhận số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ.
Hàng loạt sản phẩm thời trang nhái thương hiệu bị lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ
Kho hàng "khủng" bị phát hiện, thu giữ
Chuỗi AE Shop Việt Nam được đầu tư quảng cáo khá bài bản trên mạng xã hội Facebook, TikTok và Zalo. Các nhân viên của hệ thống cửa hàng này thường xuyên tổ chức livestream để bán hàng trên các trang Facebook mang tên "AE shop Việt Nam".
Đáng chú ý, các nam nhân viên còn không ngần ngại cởi trần, hò hét, nhảy múa để giới thiệu các sản phẩm mà shop đang bán và không ngừng khẳng định đây là hàng hiệu, hàng xịn.
Không những vậy, trên các tài khoản TikTok, nhóm nhân viên còn thường xuyên dàn dựng các video hài hước, giật gân để câu khách. Dù giới thiệu các sản phẩm là "hàng hiệu" như Louis Vuitton, D&G, Dior, Lacoste, Adidas, Givenchy, Bubberry, Mango... nhưng giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Cửa hàng còn sử dụng chiêu trò quảng cáo hàng nhái bên cạnh xe sang để khẳng định đẳng cấp và câu khách.
Lực lượng QLTT làm rõ, ngoài việc bày bán trực tiếp, cửa hàng này còn bán qua hình thức livestream. Mỗi ngày cửa hàng tổ chức từ 3-4 ca livestream và mỗi ca từ 1-2 giờ. Trong quá trình kiểm tra, các đơn vị chức năng đã thống kê có gần 20 mặt hàng với số lượng hơn 700 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu.
Chiêu trò quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội
Tương tự, các cơ sở của hệ thống AE Shop Việt Nam mở tại Bắc Giang, Hải Dương... cũng đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ.
Tổng cục QLTT cho biết, ông Phạm Đức Hải, chủ hệ thống cửa hàng AE Shop Việt Nam, đã thừa nhận việc sử dụng trang Facebook cá nhân có tên "AE Shop" và Zalo số điện thoại 0888994... để giới thiệu, chào bán online các sản phẩm quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng.
Kiểm soát, xử lý vi phạm của các ứng dụng bán hàng trực tuyến
Theo kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Tổng cục QLTT, lực lượng này sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, lực lượng QLTT sẽ kiểm tra, kiểm soát hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến; các hành vi vi phạm các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 5 tấn dầu gội đầu không có hóa đơn chứng từ và chứng minh nguồn...