Chiêu trò biến thú rừng quý hiếm thành thú cưng
Nhiều loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng bị rao bán công khai. Những loài có hình thức đẹp được các tay chơi tìm mua làm thú cưng, còn những loài khác xấu hơn thì chung số phận… lên bàn nhậu.
Rùa sa nhân có trong sách đỏ bị mua bán công khai trên mạng. Ảnh: Vũ Lực
Giật mình mèo rừng thành thú cưng
“Chơi loại này phải chơi hàng “bổi” (hoang dã, chưa thuần chủng) – Nguyễn Đình Trọng (ghi chú: nhân vật đã được đổi tên) chia sẻ. Trọng là một trong những tay chơi thú cưng có tiếng ở đất Bình Định. Gã có kinh nghiệm thuần hoá, nuôi dưỡng thú hoang dã, biết cách trị bệnh, lại có nhiều mối hàng. Chỉ nghe gã nói chuyện cũng đủ hiểu gã kiếm được kha khá từ việc bán thú cưng, bán thuốc trị bệnh cho thú. Trọng còn sở hữu nhiều con thú “độc lạ” khiến những tay chơi thú cưng dù chỉ mới ngắm qua ảnh đã “thèm rớt nước miếng”.
Vừa bước qua cửa, khách giật mình vì trên chiếc sa lông là một con vật to như con báo con đang nhìn chằm chằm vào người lạ. Con vật giống mèo, nhưng to gấp mấy lần mèo nhà, bộ lông đốm như con báo, đôi mắt sáng quắc nhìn như muốn “vặn ốc vít” vào ông khách lạ.
Trọng giới thiệu đây là “công chúa mèo” của nhà gã. Con mèo rừng chính hiệu gã sưu tầm được hơn một năm trước. Với gã, những con mèo Nga lông xám, mèo Anh lông vàng hay cả những con mèo vằn Bengal chỉ là mấy con vật nuôi cho những “tay mơ” thành phố thích ve vuốt, ôm ấp bộ lông mềm ấm.
“Nuôi con này mới VIP, nó vừa khoẻ, vừa đẹp mà đã chơi là phải chơi hàng VIP” – Trọng khoe.
Cũng theo Trọng, loài này anh em trong nghề phải sưu tầm từng con trưởng thành, hàng “bổi” về nuôi chung với nhau. Nếu chúng giao phối được, đẻ con ra thì mới đem con của chúng ra nuôi từ bé mới hy vọng chúng quen với người. Bản tính hoang dã của loài này cực mạnh. Hàng “bổi” mới săn về luôn luôn được nuôi riêng, phải mất rất nhiều thời gian những con mèo rừng bị bắt về các chuồng nuôi mới chịu ăn.
Trọng còn lưu ý: “Chúng có hệ tiêu hoá riêng, thức ăn cũng phải riêng, không thể nuôi như chó, mèo nhà được”. Thực đơn của con mèo rừng trong nhà gã là thịt heo, chim cút, đùi gà… mà phải là thịt sống, mua thịt cũng lựa chọn thật kỹ. Thịt phải sạch, tiêu chuẩn khắt khe để “công chúa mèo rừng” tránh bị bệnh đường ruột. Những “tay mơ” mới kiếm được mèo rừng về nuôi dễ bị chết vì không cho ăn đúng cách, mèo mất sức đề kháng, bị bệnh rồi chết.
Mèo rừng bị nhốt trong lồng sắt. Ảnh: Vũ Lực.
Trọng có khá nhiều mối hàng, chủ yếu là các tay thợ săn ở vùng Gia Lai – Kon Tum, một số khác là những tay buôn hàng tươi sống ở Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Trọng tiết lộ nhiều loại gã mua được đưa về từ Campuchia hoặc Lào. Giá trung bình mỗi con mèo rừng khoảng từ 3 triệu đến hàng chục triệu đồng, tuỳ cân nặng, màu lông, tướng mạo, sự thuần chủng hoặc độ “chịu chơi” của khách. Những con mèo rừng baby (mèo rừng con) giá mềm hơn nhưng cũng loanh quanh vài triệu đồng mỗi con.
Trọng giới thiệu một mối khác tên Quý (ghi chú: nhân vật đã được đổi tên), quê ở Bình Định. Quý không nuôi mèo rừng làm Pet (thú cưng) nhưng thỉnh thoảng vẫn đăng bán trên mạng xã hội. Khi chúng tôi hỏi, Quý khoe mới bán một con mèo rừng to. Gã giới thiệu sang một loài khác để khách mới chơi pet lạ dễ chăm sóc. Ấy là một con sóc lông màu đỏ tía, to gần bằng cái phích nước. Con vật đang leo trên vai một người đàn ông, cái đuôi dài rủ xuống phủ gần hết cánh tay người đàn ông. Đám lông đuôi màu đỏ tía, hơi xù, trên lưng màu đen, pha nâu đỏ, ức trắng.
Đây là một con sóc Côn Đảo, thuộc loài sóc đen khổng lồ châu Á. Tuy nhiên, sóc đen ở vùng khác lông trên lưng màu đen chứ không có màu nâu đỏ như loài sóc đặc hữu của Côn Đảo. Loài này thuộc nhóm IIB, căn cứ theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP, đồng thời thuộc Phụ lục II Công ước CITES – Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp. Đây là loài cấm săn bắt nhưng bằng cách nào đó trên “chợ mạng” vẫn rao bán công khai. Con vật tròn xoe đôi mắt như hạt nhãn hít hít cái mũi xin ăn. Quý bóc một gói bim bim, chú sóc đưa từng miếng vào miệng nhai rùm rụp.
Quý giới thiệu loại này rất dễ nuôi, thuần chủng, ăn chay và nhai bim bim như trẻ con. Chú sóc này được gã mua về từ một mối săn ở Côn Đảo, gã ra giá 5,5 triệu đồng, “ship đến tận giường”. Quý dặn dò chú sóc này đã thuần, quen với người. Nếu sang tay chủ lạ, chỉ cần 10 ngày hoặc nửa tháng là quen chủ như mèo nhà.
Con sóc Côn Đảo này được rao bán 5 triệu đồng. Ảnh: Vũ Lực.
Những kẻ “bảo tồn” chết chóc
Không chỉ mèo rừng, sóc Côn Đảo mà rất nhiều loài vật hoang dã, quý hiếm được công khai rao bán trên “chợ mạng”. Hàng loạt hội nhóm “đam mê”, “bảo tồn”, có cả chục nghìn thành viên đăng bài thảo luận, mua bán hàng ngày.
Những loài được bàn tán, mua bán nhiều nhất là cầy hương, mèo rừng, sóc đen Côn Đảo, rùa sa nhân. Những loài khác cùng thuộc nhóm IIB như thỏ rừng, cheo cheo, cầy vòi… cũng chung số phận. Người đánh bẫy, người buôn bán… rao bán công khai. Những con vật dính bẫy còn khoẻ mạnh được các tay thích chơi pet độc, lạ săn đón. Dân trong giới hàng tươi sống gọi là “bảo tồn” (mua về nuôi). Những con thú kém may mắn hơn bị thương, bị chết vì dính bẫy thì được bán vào các quán nhậu.
Thay vì hiểu việc bảo tồn động vật hoang dã là bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng, họ cố tình đánh tráo khái niệm, xem việc nuôi thú rừng là “bảo tồn”. Điều kỳ lạ của những tay “bảo tồn” là thích hàng bổi – tức hoang dã, chưa thuần, chưa quen với con người. Thợ săn đăng cả video từ lúc đặt bẫy, thăm bẫy để chứng minh nguồn gốc hoang dã cho người mua.
Mèo rừng được bán công khai trên “chợ mạng”. Ảnh: Vũ Lực.
Vũ Thành Lâm (nhân vật đã được đổi tên), quê ở Vĩnh Phúc có một trang trại nuôi dúi và chồn hương. Trang trại của gã được cấp phép, gã cũng chuyên cung cấp dúi thương phẩm, chồn hương thương phẩm cho nhiều nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Thế nhưng Lâm có thêm nghề khác là “bảo tồn”. Lâm tìm mua mèo rừng trưởng thành, nhốt trong chuồng lớn cho chúng tự giao phối, sinh sản. Lứa đầu tiên, đôi mèo hoang dã sinh được bốn chú mèo con.
Lâm chia sẻ phải là người có nghề mới dám bỏ tiền ra “bảo tồn”. Gã thấm thía nhiều bài học, những bài học đều phải trả giá đắt bằng tiền mặt. Ngày mới tập tành nuôi thú, ít kinh nghiệm, gã cho ăn không đúng, môi trường không phù hợp, thú bỏ ăn, sinh bệnh rồi chết.
“Nó chết thì đành nhắm trên đĩa! Nhưng đĩa thịt mèo giá 5, 6 triệu thì đắng lắm! Anh dính nhiều rồi, gà lôi, chim trĩ, cầy hương… mới nuôi chưa biết cách nó hay bỏ ăn, bị đường ruột, trổ lông, nhiễm trùng… Càng những con đẹp, con “VIP” càng khó nuôi” - Lâm than thở.
Khi cứng nghề, có chút kinh nghiệm Lâm vẫn nhiều lần phải trả giá. Hầu hết giao dịch đều trên mạng, người bán giấu tên, giấu địa chỉ. Lừa đảo, mất tiền cọc cũng có, nhưng Lâm hay gặp nhất là mua thú về khi chúng đã ủ bệnh từ trước. Con vật bỏ ăn, ốm yếu, lông lá tơi tả…, rồi thì bị đi ngoài, phân có máu. Con nào may mắn thì chữa được, nếu tiên lượng không tốt, gã tìm cách “đẩy” cho người khác hoặc… ướp gừng, sả, nước mắm làm mồi nhậu cho nhanh.
Có chuyến hàng gã nhận về hai con cầy hương chết còng queo trong thùng giấy. Gã bắt đền người bán, người bán đổ cho nhà xe, rốt cuộc hai con cầy xấu số không được “bảo tồn” mà trở thành bảy món cầy tơ của ông chủ.
(còn tiếp…)
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian gần đây, giới trẻ thích thú với món đồ lưu niệm độc đáo là chai thủy tinh chứa không khí Đà Lạt. Chỉ với 29.000 đồng đã có thể “hít hà”...