Chiêu gắn mác Việt Nam cho cá tầm lậu

Để đối phó với lực lượng chống buôn lậu, thương nhân Trung Quốc đã tìm cách cấu kết với một số người Việt tại Tam Đường, Lai Châu mở các trại cá tại Việt Nam để cá tầm Trung Quốc nhập lậu nghiễm nhiên có 'hộ chiếu' Việt Nam.

Theo cáo buộc mới được đưa ra bởi Hiệp hội các nhà nuôi cá nước lạnh, để đối phó với lực lượng chống buôn lậu, thương nhân Trung Quốc đã tìm cách cấu kết với một số người Việt mở các trại cá tại Việt Nam.

Trước mắt, các trại cá này sẽ đóng vai trò là “trạm trung chuyển” nhằm “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu, về lâu dài, họ sẽ xuất khẩu luôn công nghệ làm cá tầm giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam.

Chiêu gắn mác Việt Nam cho cá tầm lậu - 1
Trại cá bị cáo giác trung chuyển cá tầm lậu tại Tam Đường (Lai Châu)

Cụ thể, theo điều tra của các thành viên Hiệp hội này, một trại cá “trung chuyển” vừa được mở tại Tam Đường ngay bên cạnh trại cá của ông Trần Yên (người mở hướng nuôi cá tầm tại Tam Đường) với cá giống và các “kỹ sư” nuôi cá đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới.

“Nếu thủ đoạn này không được ngăn chặn thì cá tầm Trung Quốc nhập lậu sẽ nghiễm nhiên có “hộ chiếu” Việt Nam, “khai tử” luôn các trại cá của các chủ nuôi trong nước và người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài cá tầm Trung Quốc” - Ông Trần Yên bức xúc cho biết.

Ngay sau khi cáo buộc được đưa ra, Đoàn thanh tra Tổng cục Thủy sản được cử vào cuộc.

Mặc khác, theo ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam khẳng định, hiện nay ở khu vực phía Bắc, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam mới chỉ cấp phép cho một doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm giống và trứng cá tầm. Đó là Công ty Việt Đức. Riêng với cá tầm thương phẩm, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam chưa hề cấp một giấy phép nào để nhập khẩu vào Việt Nam.

Phía công ty Việt Đức cũng xác nhận, trại cá tại Tam Đường nói trên chưa hề mua cá tầm giống của Công ty. Tuy nhiên, trong ao nuôi tại trại này đang có sản lượng gần 20 tấn cá.

Theo các thông tin ban đầu từ Đoàn thanh tra, chủ trại cá này viện dẫn Quyết định 57 của Bộ NN-PTNT về danh mục các giống cá nước lạnh được phép nuôi trồng, trong đó có “cá tầm Trung Hoa”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây là lập luận không có cơ sở. Vì chiểu theo Quyết định 57, chủ trại cá có thể được miễn giấy phép của Tổng cục Thủy sản khi tiến hành nuôi trồng nhưng không vì thế mà được bỏ qua các thủ tục bắt buộc theo CITES về thông quan và kiểm dịch.

Trước đó, tình trạng buôn lậu cá tầm và các loại thủy sản nước ngọt khác bùng phát đã khiến loại thực phẩm vốn chỉ được biết đến tại các nhà hàng bỗng chốc tràn ngập ngoài chợ. Giá cá tầm Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/2 giá cá nuôi tại Việt Nam (120.000 đồng/kg so với 200.000-250.000 đồng/kg). Cho đến thời điểm hiện tại, các chủ trại cá Việt Nam cũng chưa thể cắt nghĩa được họ cho cá ăn gì để có được mức giá rẻ một cách đáng ngờ nói trên. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thụy Miên (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN