Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 "ảm đạm"

Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 này thấp cho thấy rõ sự “ảm đạm quá mức của sức tiêu dùng xã hội”- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Ngày 24.3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2014 được Tổng cục Thống kê công bố giảm 0,44% so với tháng trước và là mức thấp nhất của tháng 3 trong vòng 11 năm qua. “Việc CPI tháng 3 này thấp cho thấy rõ sự ảm đạm quá mức của sức tiêu dùng xã hội- ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh. Điều này cũng cho thấy, nền kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện, đời sống người dân vẫn khó khăn và tâm lý thắt lưng buộc bụng vẫn được duy trì lớn.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 "ảm đạm" - 1

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2014 chỉ tăng 0,44%.

“Không chắt bóp chi tiêu sao được khi lương của tôi quá thấp”- chị Kim Chung- giáo viên Trường CĐ Cộng đồng (Hà Nội) cho biết. Không chỉ những người làm công ăn lương ngán ngẩm việc chi tiêu và giá cả thời điểm này (bởi thu nhập của họ quá thấp), mà những người lam lũ chợ búa hàng ngày cũng ngán, bởi hàng hóa ế ẩm khiến họ nai lưng làm cũng không có lãi, kéo theo thu nhập sụt giảm.

Nhìn lại chỉ số giá cho thấy, so với tháng 3 năm trước, CPI tháng 3.2014 cũng chỉ tăng 4,39%, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Giá thực phẩm giảm mạnh nhất so với tháng trước, trong đó nhiều nhóm hàng đã giảm về mức thậm chí còn thấp hơn trước tết như thịt lợn, thịt bò. Giá gia cầm cũng giảm mạnh, do e ngại từ dịch cúm. Mức giảm mạnh thứ hai thuộc về nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Các nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm nhẹ. Ở chiều ngược lại, có tới 7/11 nhóm hàng tăng giá so tháng trước nhưng mức tăng rất nhẹ, cao nhất chỉ ở mức 0,24% của nhóm đồ uống và thuốc lá.

Vẫn không thể chủ quan

Ông Võ Văn Quyền-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện sức mua giảm chưa có gì đáng lo lắng. CPI tháng 3 "âm" đã được dự báo từ tháng 2, bởi nhiều yếu tố tác động giảm giá trong tháng 3 này đã xảy ra. Đó là nhu cầu hàng thực phẩm sau tết giảm sẽ tạo xu hướng giảm giá đối với nhiều mặt hàng thực phẩm (nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn); chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nguồn cung sẽ tăng mạnh trong khi xuất khẩu gạo đang phải cạnh tranh, giá lúa gạo sẽ có xu hướng giảm...

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, cho rằng, “lo ngại về sức cầu của nền kinh tế yếu là không có cơ sở” và CPI tăng thấp “có nguyên nhân quan trọng nhất là tâm lý của người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ”.

Đáng lưu ý, theo quy luật, trong tháng 3 hàng năm hầu hết CPI giảm tốc, thậm chí là âm. Với cách điều hành như hiện nay và một số giải pháp thì CPI tháng 3 khó có khả năng tăng. "CPI tăng thấp là do nguồn cung dồi dào, sự kiểm soát, điều phối tốt của Chính phủ"- ông Quyền nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú vẫn nhìn nhận: CPI thấp chỉ có một phần vai trò điều hành chính sách của Nhà nước mà thôi, còn lại 80% là do cầu yếu. Ông Phạm Xuân Hòe- Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) thì cho rằng, không nên chủ quan vì CPI tăng thấp. Để kiềm chế lạm phát thành công trong năm nay, vẫn cần sự điều hành linh hoạt của các cơ quan chức năng nhà nước.

Cụ thể là lượng hóa mức tăng đối với một số mặt hàng thiết yếu như: Điện, xăng dầu, than, lương thực, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục... tới đây. Bởi nếu không có "kịch bản" cụ thể cho việc tăng giá các mặt hàng này sẽ khó kiểm soát được lạm phát thấp trong những tháng tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN