Chi phí tiêu cực chui vào giá hàng hóa?

Nhiều ý kiến tiếp tục mổ xẻ vấn đề chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp kỷ lục trong 10 năm qua tại hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức ngày 26-12.

Cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất, kích thích cầu

Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, nhìn nhận: “Ít người có thể dự đoán CPI năm nay kết thúc ở những con số thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Sau nhiều năm tăng cao và bất thường, CPI đã chuyển sang một nhịp độ biến động khác”. Theo bà Dương, đánh giá chung trong năm nay, giá tiêu dùng đã có những bước đi chậm, ít gây ra những “cú giật mình”. Nhưng cuối năm CPI vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng khi nhiều quy luật bị phá vỡ. “Năm 2014 là một năm ổn định giá cả sau nhiều năm giá tăng cao và bất thường. Chuyện tăng giá không còn là nỗi lo thường trực từ người dân, doanh nghiệp (DN) đến Chính phủ” - bà Dương bình luận.

Nguyên do dẫn đến CPI các tháng trong năm nay có mức tăng thấp, theo Tổng cục Thống kê là do tâm lý của người tiêu dùng. Trước tình hình kinh tế còn khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu, cân nhắc kỹ hơn khi mua sắm, không mua hàng tích trữ vào các dịp lễ, tết. Cùng với đó, nguồn lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng nhẹ. Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng dịch vụ công về giáo dục, y tế thấp hơn so với năm trước.

Chi phí tiêu cực chui vào giá hàng hóa? - 1

Tuy đã giảm giá nhiều mặt hàng nhưng sức mua tại các siêu thị dịp cuối năm vẫn còn rất yếu. Ảnh: HTD

Mặt khác, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định. Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cuối năm giảm mạnh nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số nhóm hàng nhà ở, vật liệu xây dựng giảm…

Theo Tổng cục Thống kê, nhiều chuyên gia dự báo CPI năm 2015 sẽ tăng trên dưới 4%. “Nếu lạm phát năm sau vẫn ở mức thấp sẽ là cơ hội để ngân hàng tiêp tục hạ lãi suất. Khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn. Cầu tăng lại có tác động tích cực đến mở rộng sản xuất và kéo theo tăng trưởng tốt hơn” - bà Dương phân tích.

Người tiêu dùng vẫn bị “móc túi”

Dù Tổng cục Thống kê vừa đưa ra nhận định CPI hiện đang thấp nhất trong hơn 10 năm qua nhưng Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú lại cho rằng người tiêu dùng đang phải trả tiền cho nhiều hàng hóa thiết yếu hằng ngày với giá quá cao.

“Tôi đã đến mấy vùng nông thôn ngay cạnh Hà Nội. Với trứng gà, nông dân bán chỉ có 1.600 đồng/quả. Nhưng khi đến tay người tiêu dùng giá lên đến 4.700 đồng/quả trứng gà ta, 2.700 đồng/quả trứng gà công nghiệp. Trời ơi! Giá đã tăng gấp đôi, gấp ba lần!” - ông Phú dẫn chứng.

Theo ông Phú, giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm đi vào bữa cơm từng gia đình người Việt nhiều năm nay vẫn đứng ở giá cao vô lý! Giá quả trứng, cân cá, mớ rau từ tay nông dân đến tay người tiêu dùng đã bị đội giá lên rất nhiều, thậm chí là 100%-200%.

Chẳng những thế, “nhiều mặt hàng, giá bán trong nước còn cao hơn giá xuất khẩu. Chẳng hạn, 1 kg đường giá bán lẻ ở thị trường trong nước từ 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, trong khi giá xuất khẩu chỉ gần 12.000 đồng/kg. Với gạo cũng tương tự như vậy. Việc đội giá này là qua khâu trung gian, phân phối. Theo tôi, lợi nhuận qua khâu này chỉ ở mức 30% là đã quá đủ” - ông Phú nói.

Theo ông Phú, chi phí trung gian, chi phí tiêu cực đang chui vào giá thành của hàng hóa. Và điều đó là “rất nguy hiểm”, khi chính người tiêu dùng phải gánh chịu các chi phí đó.

Mặt khác, theo ông Phú, niềm vui CPI giảm chưa trọn vẹn, khi giá xăng điều chỉnh giảm 13 lần mà giá hàng hóa chưa giảm. “Năng lực quản lý nhà nước của ta như thế là chưa ổn. Mấy hôm nay Bộ Tài chính có nhiều công văn yêu cầu các DN giảm giá. Trong khi đó DN hoạt động vì lợi nhuận. Đừng đổ tại DN mà do quyền năng “roi mây” của Nhà nước chưa làm tốt” - ông Phú nói.

Lạm phát thấp kiểu thế này là không mong muốn

Lạm phát thấp có lợi và mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, cải thiện sức mua. Tuy nhiên, cần thấy rõ bản chất của lạm phát quá thấp ở ta hiện nay không phải là do năng suất, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh được nâng lên, làm chi phí sản xuất và giá thành hạ mà do thu nhập hạn chế làm người dân thắt lưng buộc bụng. Luồng vốn bị thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế… nên đã làm giảm sức ép tăng giá. Như vậy, giảm được lạm phát thấp bằng cách này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế

Lạm phát thấp còn kéo dài

CPI tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể dao động 2%-3%. Nguyên nhân là do chính sách tài khóa thắt chặt sẽ được duy trì, kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm được dự báo là kéo dài trong một thời gian. Mức lạm phát thấp này sẽ kéo dài trong một số năm và cũng có nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016-2020.

Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính NGUYỄN NGỌC TUYẾN

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12-2014 so với tháng 12-2013 tăng 1,84%; kéo theo CPI cả năm 2014 so với cùng kỳ chỉ tăng 4,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,6% của năm 2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Vân (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN