Chị nông dân lãi 300 triệu đồng/năm nhờ trồng thứ “tiên dược trời ban”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhờ trồng loại cây này, chị Nguyễn Thị Hồng Mơ có thu nhập khấm khá và quyết định trả sổ hộ nghèo.

Năm 2023, tại huyện Phụng Hiệp xuất hiện mô hình sản xuất mới, trong đó có mô hình trồng dâu tằm lấy trái đã mang lại hiệu quả cao. Nổi bật là mô hình trồng dâu tằm của chị Nguyễn Thị Hồng Mơ (37 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Nhớ lại năm 2020, biến cố ập đến, cả 2 con của chị Mơ đều bị ung thư khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Chính quyền xã cấp cho sổ hộ nghèo và vợ chồng chị phải vay nợ hơn 1 tỷ đồng để chữa bệnh cho con.

Tuy nhiên, đến năm 2022, chị Mơ quyết định trả sổ hộ nghèo khi số nợ trả được hơn phân nửa, đặc biệt là có nguồn thu nhập khấm khá từ cây dâu tằm.

Vườn trồng dâu tằm của chị Nguyễn Thị Hồng Mơ, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp.

Vườn trồng dâu tằm của chị Nguyễn Thị Hồng Mơ, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp.

Chị Mơ phấn khởi nói với báo Thanh Niên: "Trước đây, vườn của tôi trồng xoài Đài Loan, vài năm đầu thu nhập khoảng 100 triệu/năm, nhưng sau đó ngày càng rớt giá, thậm chí có lúc chẳng ai mua. Bây giờ trồng dâu tằm, tính ra khỏe hơn nhiều, thu nhập 1 vụ đã hơn 1 năm bán xoài ".

Thời điểm chị Mơ trồng dâu tằm, cả xã Thạnh Hòa chưa ai trồng nên chị cũng dè dặt, chỉ đặt mua 5 cây giống từ Đà Lạt về thử nghiệm. Dự phòng thất bại, chị còn thả 5.000 con cá tai tượng xuống ao để cá ăn lá. Vì vậy, khi lứa dâu tằm đầu tiên say trái, chị và người dân xung quanh đều bất ngờ.

Bà Đoàn Thị Thu Ba (49 tuổi, ngụ cùng địa phương), người hái trái dâu tằm thuê cho chị Mơ, tiếp lời: "Cứ tưởng trái dâu tằm không phát triển nhưng lại hợp thổ nhưỡng vùng này. Thu hoạch thấy ham, cây chi chít trái, trái nào cũng căng bóng, nhìn đã mắt. Nhờ công việc này mà nhiều lao động nông thôn như tôi có thu nhập 200.000 đồng/ngày".

Sau nhiều vụ liên tiếp đạt hiệu quả, chị Mơ mua thêm vài chục cây giống về trồng rồi giâm cành, chiết cành tạo cây con nhân rộng mô hình. Hiện, khu vườn của chị có hơn 700 gốc dâu tằm, sắp tới mở rộng thêm. "Trái dâu tằm mọng nước dễ bị dập, phải bảo quản trong ngày mới ngon. Tôi thấy đó là yêu cầu khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho mình. Nếu trồng được ở Hậu Giang, thị trường sẽ rất thuận lợi vì gần Cần Thơ và Tp.HCM. Vận chuyển trong ngày, chất lượng trái đảm bảo hơn so với từ Đà Lạt chuyển vào hoặc là từ các tỉnh xa chuyển đến", chị Mơ chia sẻ.

Trái dâu tằm từ màu đỏ tươi chuyển sang chín đậm là có thể thu hoạch. Ảnh: báo Thanh Niên.

Trái dâu tằm từ màu đỏ tươi chuyển sang chín đậm là có thể thu hoạch. Ảnh: báo Thanh Niên.

Cây dâu tằm thuộc loại thân gỗ, 6 tháng đã bắt đầu cho trái, càng lớn càng năng suất cao. Cây có thể cho trái quanh năm, mỗi vụ khoảng 1,5 tháng. Tuy nhiên, miền Tây có khí hậu khô nóng, qua nhiều lần thử nghiệm, chị Mơ rút kinh nghiệm chỉ để trái 2 mùa có năng suất cao nhất: từ tháng 10 âm lịch đến gần tết và sau tết (nghịch mùa), thời gian còn lại thì dưỡng cây.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, trong năm 2023 vừa qua chị Mơ thu hoạch 2 lứa, một lứa dâu tằm thu hoạch hơn 5.000kg, bán với giá tại vườn là 50.000 đồng/kg, thu nhập đạt trên 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoảng chi phí thu về cho gia đình lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Theo chị Mơ, cây dâu tầm ăn dễ trồng, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, thương lái tìm đến tận vườn thu mua, giá thành cao và luôn ổn định. Với diện tích 10.000m2 trong năm 2024 này, sẽ mang về thu nhập cao hơn cho gia đình so với năm 2023.

Ông Ngô Phước Lành, Bí thư Chi bộ ấp 3, nhận xét mô hình trồng dâu tằm của chị Mơ là mô hình rất mới ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều tâm đắc nhất là vào đợt lặt lá hay hái trái, chị tạo việc làm cho 8 - 10 lao động. Chính quyền cũng đang vận động chị nhân giống cây làm vùng nguyên liệu để bà con có nhu cầu cùng chuyển đổi cây trồng. "Lúc 2 con bệnh, có thể nói, chị Mơ là hộ khó khăn nhất ở đây. Nhờ trồng dâu tằm, chị dần sửa sang nhà cửa khang trang và tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo. Chính quyền cũng đề xuất UBND huyện Phụng Hiệp khen thưởng cho chị Mơ khi chị nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Lành chia sẻ.

Cây dâu tằm: “Tiên dược” trời ban không phải ai cũng biết

Là loại cây quen thuộc với người Việt Nam từ nhiều năm nay, dâu tằm được nhiều người gọi là "tiên dược". Sở dĩ có thể gọi dâu tằm là "tiên dược" trời ban bởi rất hiếm loại cây nào mà mọi bộ phận đều có thể dùng làm bài thuốc chữa bệnh, từ vỏ rễ, đế cành non hay tầm gửi và tổ bọ ngựa mọc trên cây dâu.... Cụ thể, theo Sức khỏe & Đời sống:

- Lá dâu có tên thuốc là tang diệp, vị ngọt đắng, tính mát; tác dụng bổ âm, phát tán phong nhiệt, giải cảm, thanh nhiệt lương huyết, mát gan, mát phổi... Chủ trị các chứng mắt đỏ, mắt mờ, đau nhức chảy nước mắt..., có thể vừa uống trong vừa nấu nước để dùng ngoài.

Lá dâu có tác dụng chữa bệnh đổ mồ hôi trộm ở trẻ em.

Cách dùng: Uống và vò lá dâu vào nước tắm cho trẻ.

Lá dâu còn có tác dụng dưỡng âm; thường được dùng để chữa tăng huyết áp, mất ngủ, phát ban, đau mắt đỏ.

-Quả dâu chín trong Đông y có tên thuốc là tang thầm.

Tang thầm có vị ngọt, tính hàn, vô độc; vào 2 kinh Can và Thận; có tác dụng tư âm dưỡng huyết, tức phong (trừ gió độc), an thần ích trí, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng thông tiện, minh nhĩ mục (thính tai sáng mắt) và ô tu phát (làm đen râu tóc)…

-Vỏ rễ cây dâu (tang bạch bì).

-Tầm gửi cây dâu (tang ký sinh ).

-Tổ con bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu ).

-Sâu dâu, sâu nằm trong thân cây dâu, vốn là ấu trùng của một loại xén tóc ... đều được sử dụng làm thuốc với đặc tính dược lý khác nhau.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại quả này mọc mọc từ ngọn xuống gốc, bám vào thân thành từng chùm quả màu đỏ bắt mắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa (t/h) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN