Chất lượng tôm giống phụ thuộc vào ... đạo đức

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Trí - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, chất lượng tôm giống phụ thuộc vào đạo đức, lương tâm của doanh nghiệp.

Báo NTNN vừa đăng tải loạt bài “Tôm chết, nông dân lâm nợ”, phản ánh về những kẽ hở trong quản lý sản xuất, kinh doanh tôm giống. Trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Trí - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho biết, chất lượng tôm giống phụ thuộc vào đạo đức, lương tâm của doanh nghiệp.

Chất lượng tôm giống phụ thuộc vào ... đạo đức - 1

Kiểm tra chất lượng tôm giống ở một cơ sở chăn nuôi tại Bình Thuận.

Ông Đào Văn Trí cho biết: Nhu cầu tôm giống (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) của cả nước vào khoảng 40 – 50 tỷ con/năm. Theo mùa vụ, việc cung ứng con giống thường tập trung từng thời điểm, tuy nhiên, hoạt động sản xuất và cung ứng con giống hiện nay cũng còn nhiều tồn tại, điều này do năng lực đầu tư và trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất con giống còn hạn chế; đạo đức, thương hiệu doanh nghiệp và mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp là những yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng con giống và giá bán giống tôm. Một khi nhu cầu thị trường lớn, lợi nhuận đặt ra nặng nề, đạo đức, thương hiệu doanh nghiệp nhẹ đi thì các yếu tố chất lượng con giống và giá bán con giống sẽ có vấn đề.

Cơ quan quản lý nhà nước không phải lúc nào cũng kiểm soát chặt chẽ, liên tục và ở tất cả các cơ sở. Do đó, chất lượng con giống không phải lúc nào cũng được đảm bảo. 

Được biết, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã từng nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, vậy ông có thể cho biết kết quả công trình này?

- Từ năm 1986 đến nay, Viện 3 đã được Bộ NNPTNT giao chủ trì một số đề tài nghiên cứu liên quan đến nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống, chủ động tôm bố mẹ, chất lượng và môi trường nuôi để phổ biến, chuyển giao cho ngư dân. Cũng cần phải nói rõ hơn về đề tài nuôi tôm giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng. Đây là giống tôm có nguồn gốc từ Trung Mỹ và châu Mỹ Latinh, du nhập vào Việt Nam năm 2001 nhằm mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi, đánh giá, khảo nghiệm xem nó có lợi thế gì, phát triển, lợi ích và tác động như thế nào ở Việt Nam. Qua một vài lần nuôi khảo nghiệm trong kiểm soát, thấy rằng tôm thẻ chân trắng có những ưu điểm như tăng trưởng nhanh, thích ứng điều kiện môi trường tốt, thời gian nuôi ngắn hơn so với tôm sú bản địa, mật độ nuôi cao so với tôm sú, từ 100 – 150 con/m2 (tôm sú 40 - 60 con/m2).

 Năm 2003, Bộ NNPTNT cho nghiên cứu về tôm thẻ chân trắng, do vậy phải nhập một lượng tôm nhất định phục vụ đề tài. Thời điểm đó, phần lớn các cơ sở cũng phải nhập tôm bố mẹ từ các nước về để cho sản xuất giống, hiện nay cũng vẫn đang trong xu thế như vậy. 

Thưa ông, hiện có một doanh nghiệp (Công ty TNHH Việt Úc) đang nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, được Tổng cục Thủy sản phê duyệt đề cương, vậy đánh giá của Viện về tính khả thi của đề tài này như thế nào?

- Trong hoạt động nuôi tôm thương phẩm thì con giống và chất lượng con giống rất quan trọng. Bộ đã giao cho các viện, trường nghiên cứu các vấn đề liên quan đến con giống, như tôm bố mẹ, gia hóa… Viện 3 cũng đã thực hiện nhiều đề tài, dự án như đã nói ở trên. Trên thực tế, các nghiên cứu về gia hóa, nâng cao chất lượng con giống và chọn giống đã và đang được giao cho các viện thực hiện. Việc chọn một doanh nghiệp đã sản xuất giống tôm tham gia vào chương trình chọn giống, theo tôi là không nên. 

"Một khi nhu cầu thị trường lớn, lợi nhuận đặt ra nặng nề, đạo đức, thương hiệu doanh nghiệp nhẹ đi thì các yếu tố chất lượng con giống và giá bán con giống sẽ có vấn đề” .

Ông Đào Văn Trí 

Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp chỉ nên tham gia một phần vào các nội dung chọn giống mà nhà nước đưa ra, nhằm xã hội hóa công tác chọn giống, thúc đẩy kết quả đạt được của quá trình nghiên cứu nhanh đi vào sản xuất.

Để ngành tôm phát triển bền vững, theo ông cần có những giải pháp cụ thể gì?

- Hoạt động nào duy trì phát triển ổn định và có hiệu quả thì hoạt động đó gọi là phát bền vững. Phát bền vững đối với nghề nuôi tôm, theo tôi cần 3 cụm nhân tố chính như sau: Một là quy trình kỹ thuật công nghệ và mức độ đầu tư. Hai là hiệu quả kinh tế, lợi nhuận thu được và ảnh hưởng của sản xuất tác động như thế nào đến môi trường. Ba là, hoạch định chính sách, chiến lược, quy định của nhà nước, tính kiểm tra, kiểm soát và khả năng thực thi của người sản xuất.

 Ở khía cạnh khoa học công nghệ, thông qua các đề tài nghiên cứu, Viện 3 đã đóng góp vào việc nuôi tôm bền vững. Viện cũng đã tham mưu đề xuất cơ quan quản lý nhà nước đưa ra giải pháp khuyến nghị người dân nên nuôi vào vụ nào, loại hình nào cho hợp lý, nhằm bớt gây áp lực lên môi trường. Trong quy trình nuôi, yếu tố con giống đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu giống không tốt thì thời gian nuôi kéo dài, làm phá vỡ tính cân bằng trong ao nuôi... Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Khuê (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN