Chán lúa trồng "nhân sâm" người nghèo, bỏ túi cả trăm triệu/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhờ mạnh dạn chuyển từ cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng đinh lăng-loài cây được ví như nhân sâm của người nghèo mà mỗi năm ông Phạm Văn Khoa (57 tuổi) ở xóm 7, xã Khánh Công, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chán với cảnh trồng lúa quanh năm vất vả mà vẫn không khá lên được, ông Phạm Văn Khoa đi tìm đến các mô hình trồng các loại cây trồng, vật nuôi mới cho hiệu qua kinh tế cao để thăm quan học hỏi, nhằm mục đích phát triển kinh tế gia đình.

Qua quá trình tiếp xúc đó, ông nhận thấy cây đinh lăng cho hiệu quả khá cao và rất phù hợp với chất đất của gia đình. Sau đó, ông mạnh dạn cải tạo hơn 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang để trồng cây đinh lăng.

Dẫn PV Dân Việt đi thăm quan vườn đinh lăng của gia đình, ông Khoa cho hay, cây đinh lăng không đơn thuần là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người nông dân. Đây là loại cây vô cùng dễ trồng nên ai cũng có thể trồng được, cho hiệu quả không thua kém gì so với các loại cây đòi hỏi kỹ thuật cao.

Chán lúa trồng "nhân sâm" người nghèo, bỏ túi cả trăm triệu/năm - 1

Ông Phạm Văn Khoa đang đi kiểm tra tốc độ phát triển của vườn đinh lăng nhà mình.

Ông Phạm Văn Khoa cho biết, hiện nhà ông đang trồng gần 45.000 gốc đinh lăng trên diện tích hơn 1 ha. Tất cả các gốc đinh lăng này đến nay đã được gần 3 năm tuổi và chuẩn bị được cho xuất bán.

“Nếu thời tiết thuận lợi thì cứ trung bình một gốc đinh lăng sau 3 năm trồng sẽ được khoảng gần 3kg. Với số đinh lăng hiện tại, tôi dự định đến lúc bán sẽ được trên dưới 50 tấn đinh lăng tươi, sau khi trừ chi phí sẽ thu về hàng trăm triệu” ông Khoa tiết lộ.

Theo ông Khoa, vì cây đinh lăng rất dễ bị úng do mưa lớn nên bên cạnh các vườn đinh lăng đều được ông thiết kế các con mương lớn nhằm mục đích cho vườn đinh lăng luôn thông thoáng và thoát nước tốt. Nhờ cách làm này trong nhiều đợt mưa kéo dài mà vườn đinh lăng của gia đình ông luôn phát triển tốt.

Chán lúa trồng "nhân sâm" người nghèo, bỏ túi cả trăm triệu/năm - 2

Theo y học cổ truyền, rễ cây đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết; lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Toàn cây đinh lăng bao gồm rễ, thân, lá đều có thể sử dụng làm thuốc

"Ngoài ra, tất cả các con mương này đều nối liền với nhau nên được gia đình tôi tận dụng thả các loại cá truyền thống như trắm, chép, mè.... Cá được nuôi thả trong đây lớn nhanh hơn cả so với nuôi thả trong ao, mỗi năm gia đình tôi cũng kiếm được vài chục triệu từ bán cá."

“Hiện tại, giá gốc và rễ đinh lăng được thương lái thu mua với giá giá 20.000 đồng/kg, lá đinh lăng khô được bán với giá 10.000 đồng/kg, còn cây giống được bán với giá từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg.” Ông Khoa nói thêm.

Cũng theo ông Khoa, đinh lăng là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm sóc như trồng lúa và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trước khi trồng phải làm đất thật kĩ và cho thêm phân chuồng, sau đó làm luống càng cao càng tốt, giữa các luống phải có mương rãnh thoát nước để tránh bị ngập úng khi trời đổ mưa, loại đất tốt nhất cho cây phát triển là đất thịt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Phương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN