Chặn hàng giả: Đừng theo kiểu 'bắt cóc bỏ đĩa'
Ông Trịnh Văn Ngọc, trưởng phòng chống hàng giả Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT - Bộ Công thương), cho rằng các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn hàng gian, hàng giả ngay từ vùng giáp biên thay vì xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay.
Ông Ngọc cho biết một số chi cục QLTT các tỉnh phía Bắc từng bắt nhiều vụ các thương hiệu có tiếng trong nước bị làm giả từ Trung Quốc rồi chuyển vào VN. Ngoài việc có tem nhãn tiếng Việt, những sản phẩm giả mạo này thậm chí có tem chống hàng giả của Bộ Công an.
* Ông đánh giá thế nào về tình hình hàng nhập lậu, đặc biệt là việc hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt trong thời gian gần đây?
- Chuyện giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng Việt không phải mới diễn ra. Tuy nhiên trước đây việc giả mạo này xảy ra chủ yếu ở một số sản phẩm có thương hiệu và uy tín, đặc biệt là các mặt hàng mỹ phẩm tại VN. Những sản phẩm này được làm giả ngay tại Trung Quốc bằng việc in sẵn bao bì, nhãn mác tiếng Việt, ghi rõ “made in VN”, sau đó tuồn vào VN. Thậm chí có những sản phẩm như hàng điện tử, thuốc lá... được gắn sẵn tem chống hàng giả của Bộ Công an với mẫu tem giống y như thật.
Hiện nay, sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt trở nên khá phổ biến và rộng rãi ở nhiều chủng loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em... Những sản phẩm này hầu hết đều không có nhãn mác (không có chữ Trung Quốc), được tuồn vào VN cả bằng đường chính ngạch lẫn nhập lậu với số lượng lớn. Sau khi vào VN, các sản phẩm này được các đối tượng dán tem hàng VN rồi tung ra bán trên thị trường.
* Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng hàng gian hàng giả tràn lan hiện nay là do QLTT làm việc chưa nghiêm túc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Không thể phủ nhận những khó khăn khách quan như đường biên giới dài, thủ đoạn buôn lậu tinh vi của các đối tượng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả từ biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng QLTT mà đòi hỏi phải có sự phối hợp tham gia tích cực và quyết liệt của các lực lượng chức năng giáp biên như hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển...
Việc hàng trăm xe tải chở gà thải từ Trung Quốc tuồn vào VN tiêu thụ đã cho thấy công tác “gác cổng” ngay từ vùng biên chưa tốt, cần phải phối hợp kiểm tra và kiểm soát quyết liệt hơn. Hàng lậu, hàng giả khi tuồn vào trong nội địa sẽ nhanh chóng tẽ nhánh, xé lẻ đi khắp nơi, lực lượng QLTT đi bắt cũng chỉ được dăm ba xe.
Nói như vậy để thấy rằng nếu để “gà sổng chuồng” sau đó mới đuổi theo bắt nhốt lại sẽ không đạt hiệu quả cao và triệt để được. Quy chế về việc phối hợp kiểm tra đã có nhưng việc phối hợp chưa được thường xuyên, chặt chẽ.
Một số quy định pháp luật cũng làm hạn chế tính chủ động của lực lượng QLTT như Thanh tra Bộ KHCN kiểm tra cơ sở sản xuất, Thanh tra nông nghiệp kiểm tra chất lượng phân bón, Tổng cục đo lường chất lượng kiểm tra chất lượng xăng dầu. Những quy định về hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu hiện nay còn thiếu chặt chẽ cũng là yếu tố giúp hàng giả, hàng kém chất lượng dễ dàng tuồn sâu vào trong nước.
Thêm vào đó, ý thức trách nhiệm trong việc chống buôn lậu của lực lượng kiểm tra chưa kiên quyết, triệt để, còn có tâm lý “nể nang”.
Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra kho chứa hàng mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo tại Q.5
* Các cơ quan chức năng sẽ làm gì để ngăn chặn hàng giả, hàng gian trong thời gian tới, đặc biệt dịp gần tết?
- Chúng tôi đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường và các biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng dịp Tết Quý Tỵ 2013. Trong đó, tập trung các địa bàn trọng điểm, đông dân cư, các trung tâm phát luồng hàng hóa như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... Khu vực biên giới sẽ được phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan như hải quan, biên phòng nhằm siết chặt, hạn chế tối đa để chặn ngay hàng lậu, hàng giả từ đầu nguồn.
Ngoài ra, Bộ Công thương vừa ra chỉ thị về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức QLTT, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho tất cả chi cục QLTT, đặc biệt đối với sáu chi cục QLTT vùng biên giới các tỉnh. Việc tập huấn này không chỉ nâng cao năng lực, nghiệp vụ của cán bộ, công chức QLTT, mà còn chấn chỉnh việc những cán bộ có thái độ, phát ngôn, ứng xử không đúng, gây phiền hà hoặc nhũng nhiễu. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện triệt để khâu “gác cổng” thì hàng nhập lậu lập tức giảm ngay, giảm mạnh, mấu chốt là khâu phối hợp làm sao cho tốt mà thôi.
Ông Ngô Bách Phong (phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM):
Quá khó cho người tiêu dùng! Người tiêu dùng khi mua sản phẩm rất lưu tâm đến vấn đề xuất xứ sản phẩm, thông tin chất lượng trên bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, với việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt tinh vi như hiện nay, người tiêu dùng không biết đâu mà lường. Tất cả dấu hiệu nhận biết như tem chống hàng giả, nhãn hàng hóa... đều có thể bị làm giả giống như thật thì người tiêu dùng rất dễ “sập bẫy”. Hàng Trung Quốc đội lốt hiện nay đa dạng chủng loại, giá cả nhưng đa số mặt hàng này có giá rẻ, phù hợp với đối tượng có thu nhập thấp. Sản phẩm dạng này được bán tại chợ, hội chợ, thậm chí bán dạo nên khi người tiêu dùng “sập bẫy” hầu như không đòi lại được quyền lợi sau đó. Họ chỉ còn cách rỉ tai, chia sẻ kinh nghiệm “ngậm bồ hòn” cho bạn bè, người thân. Thực tế, nhu cầu dùng hàng nhập khẩu giá rẻ hiện nay của người dân còn rất nhiều do hàng trong nước chưa thể đáp ứng đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa khâu kiểm soát, tạo hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng kém chất lượng. |