Chặn gian lận, nợ thuế
Năm 2014, các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản sẽ bị thanh tra về thuế.
Trước tình hình vi phạm hoàn thuế GTGT ngày càng nghiêm trọng, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống vi phạm quản lý thuế GTGT do đích thân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban. Như vậy, bên cạnh tập trung chống thất thu thuế qua hình thức chuyển giá, ngành thuế đã xác định thêm một trọng điểm đấu tranh là chống gian lận trong hoàn thuế GTGT mà địa bàn chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Xuất khẩu khống để lấy tiền hoàn thuế
Tâm điểm của hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT gần đây diễn ra trên địa bàn tỉnh An Giang. Nếu như năm 2009, An Giang chỉ có 15 doanh nghiệp (DN) được hoàn thuế GTGT trong xuất khẩu tiểu ngạch với giá trị khoảng 40 tỉ đồng thì đến năm 2013 đã tăng lên 63 DN với giá trị hoàn thuế 579 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2013, tổng số tiền hoàn thuế GTGT cho xuất khẩu tiểu ngạch của tỉnh An Giang đạt khoảng 1.200 tỉ đồng trong khi dự toán thu thuế GTGT chung của tỉnh này được Bộ Tài chính giao chỉ đạt hơn 1.600 tỉ đồng.
Cùng với diễn biến này, số lượng DN thành lập mới tại các địa phương ở khu vực biên giới tăng lên rất nhanh để xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia. Từ diễn biến bất thường, Tổng cục Thuế đã tăng cường các giải pháp quản lý hoàn thuế GTGT đối với hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và phối hợp với cơ quan công an tiến hành điều tra các cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận. Cuối năm 2013, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT với tổng giá trị xuất khẩu khống hơn 1.100 tỉ đồng nhằm chiếm đoạt hơn 110 tỉ đồng tiền hoàn thuế.
Về nợ thuế, tổng nợ thuế của toàn ngành tính đến gần cuối năm 2013 là hơn 62.000 tỉ đồng
Về nợ thuế, tổng nợ thuế của toàn ngành tính đến gần cuối năm 2013 là hơn 62.000 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó nợ khó thu là 10.000 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Loại trừ các nhóm nợ khó thu, nợ thuế trừ xử lý, nợ thuế liên quan đến Vinashin, Vinalines, nợ thuế đang có khiếu nại thì nợ thuế hiện chiếm khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết dù năm nay nhiều địa phương đã thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách nhưng việc thu hồi nợ đọng thuế vẫn rất khó khăn. Theo quy định, cá nhân, tổ chức trốn thuế trên 150 triệu đồng là bị khởi tố hình sự nhưng nợ thuế 150 tỉ đồng, cơ quan thuế có xác nhận thì chỉ được đưa vào diện theo dõi, không thể có biện pháp mạnh hơn.
Nhiều doanh nghiệp vào “tầm ngắm”
Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết năm 2014 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 14,65% trên số DN thuộc địa bàn quản lý thuế. Các đối tượng được tập trung thực hiện nghiệp vụ này là DN nhiều năm chưa vào danh sách, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá, chuyển nhượng vốn và DN có số tiền hoàn thuế lớn. Đáng lưu ý là trong năm nay, các DN kinh doanh hàng nông sản thực phẩm, cà phê; DN xuất khẩu qua biên giới đất liền; DN kinh doanh thương mại điện tử, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản sẽ vào tầm ngắm của cơ quan thuế.
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, năm 2013 ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.223 DN khai lỗ, có dấu hiệu chuyển giá với tổng số thuế truy thu, phạt và truy hoàn là 481 tỉ đồng, giảm lỗ 1.697 tỉ đồng, giảm khấu trừ hơn 41 tỉ đồng.
Cơ quan thuế cũng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 54.714 DN với tổng số thuế tăng thu lên đến hơn 11.000 tỉ đồng, giảm khấu trừ 825 tỉ đồng, giảm lỗ 10.430 tỉ đồng. Các con số về tăng thu sau thanh tra, kiểm tra, giảm khấu trừ đều tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm lỗ chỉ bằng hơn 83%.
Theo Tổng cục Thuế, đã có 113 hồ sơ doanh nghiệp cả nước có dấu hiệu hình sự được chuyển sang cơ quan công an, trong đó có 17 doanh nghiệp bị khởi tố, 22 đối tượng vi phạm pháp luật về thuế, buôn bán hóa đơn bị bắt giữ.