Chặn dịch tả lợn châu Phi: Đợi phát hiện ổ dịch thì đã muộn
“Nếu cứ đợi các trang trại phát hiện được ổ dịch thì đã quá muộn. Các cấp quản lý phải hành động trước khi có ổ dịch xuất hiện, bởi mầm bệnh đã ủ trong nhiều ngày trước khi nó bùng phát. Hà Lan cũng đã từng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng đã được khống chế chỉ sau một thời gian ngắn”.
Đó là chia sẻ của bà Christianne Bruschke - Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan, tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi", do Bộ NNPTNT phối hợp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây.
7.000 xã có ổ dịch tả
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam. Đến nay, tổng đàn lợn của Việt Nam khoảng 32 triệu con, đứng đầu các nước ASEAN và thứ 2 châu Á. Chăn nuôi lợn dần hình thành các chuỗi giá trị, nhưng ngành chăn nuôi lợn cũng đứng trước nhiều nguy cơ từ dịch bệnh, đặc biệt là bệnh DTLCP.
Cán bộ thú y Hà Nội đưa lợn đi tiêu hủy vì nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: D.Đ.T)
Virus gây bệnh DTLCP rất nguy hiểm vì có khả năng tồn tại lâu ở ngoài môi trường và ở các sản phẩm thịt lợn, trong khi hiện nay cả thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh... Nhận thức được vấn đề nguy hiểm của loại dịch bệnh này, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước láng giềng là Trung Quốc, Chính phủ và Bộ NNPTNT đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, sát sao, công tác phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, đến nay, bệnh DTLCP vẫn đã xuất hiện tại 7.000 xã của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước (Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa có ổ dịch). Tổng số lợn phải tiêu huỷ là 4 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn của cả nước.
Để huy động tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ NNPTNT được Chính phủ giao nhiệm vụ kêu gọi, phối hợp các cơ quan, tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là nội dung được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp hai nước Việt Nam và Hà Lan thống nhất trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào tháng 4/2019.
Hành động trước khi có ổ dịch
Bà Christianne Bruschke - Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan cho biết, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại Hà Lan trong 2 năm 1997 - 1998, khiến hàng chục triệu con lợn tại 1.629 trang trại bị tiêu huỷ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế (trong đó đã tiêu huỷ lợn bệnh tại 429 trang trại bị nhiễm và tiêu hủy phòng ngừa tại 1.200 trang trại trong bán kính 1km).
Các chuyên gia cho rằng, ngoài xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để khống chế bệnh DTLCP, cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn. Ảnh: baoquangninh.
Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan Christianne Bruschke cho biết, Hà Lan là một quốc gia nhỏ, với dân số khoảng 17 triệu người; mật độ chăn nuôi rất lớn, đa số là các trang trại với tổng số 130 triệu động vật nuôi. Trong đó, có khoảng 12,6 triệu con lợn. Hà Lan không nuôi thả vườn làm kinh doanh mà tập trung phát triển chăn nuôi lợn tại trang trại, nên việc khống chế dịch bệnh cũng dễ xử lý hơn. |
Ngay khi có sự xâm nhập dịch bệnh tả lợn, Hà Lan đã đóng cửa quốc gia 72 giờ để thu thập thông tin về tình hình dịch tễ, thông tin mầm bệnh, giảm nguy cơ lây lan; tổ chức tiêu huỷ, phòng ngừa tại các trang trại trong bán kính 1km từ vùng ổ dịch nhằm bảo đảm an toàn cách ly.
Bảo đảm trong 72 giờ không có giết mổ, vận chuyển, lây lan thêm dịch bệnh… Và nhờ thực hiện nghiêm ngặt các điều này, dịch bệnh được kiểm soát sau một thời gian ngắn và không bùng phát cho tới nay.
“Nếu cứ đợi các trang trại phát hiện được ổ dịch mới hành động thì đã quá muộn. Sẽ tốt hơn nếu các bạn thực hiện các biện pháp quyết liệt trước khi có ổ dịch, bởi mầm bệnh đã ủ trong nhiều ngày trước khi nó bùng phát” - bà Christianne Bruschke nhấn mạnh.
Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman cho biết, trước đây, Hà Lan cũng đã bị thiệt hại hàng triệu Euro do dịch tả lợn (truyền thống). Còn đối với bệnh DTLCP đã từng xuất hiện tại Hà Lan, nhưng dịch bệnh này đã được khống chế sau một thời gian ngắn nhờ Hà Lan thực hiện tiêu hủy, cách ly tốt.
“Kinh nghiệm trong phòng chống dịch tả lợn là cần có sự hợp tác với các bên liên quan như: Doanh nghiệp, chính phủ, viện nghiên cứu. Sửa đổi bổ sung chính sách kiểm soát khi có thay đổi trong thái độ, nhận thức của xã hội và điều kiện kỹ thuật cho phép. Hợp đồng với các ngành công nghiệp để nghiên cứu phát triển vaccine”– Đại sứ Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực này, các chuyên gia về thú y của Hà Lan cho rằng, ngoài xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để khống chế bệnh DTLCP, cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn. Chính sách thú y ở Hà Lan là bảo vệ sức khỏe con người và động vật; phát triển ngành chăn nuôi bền vững, tạo lợi nhuận; thương mại an toàn (không xuất, nhập khẩu động vật bệnh).
Đặc biệt, tại Hà Lan, nông dân phải chịu trách nhiệm chính về sức khỏe của động vật; Bộ Nông nghiệp Hà Lan đưa ra các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Trong khi Chính phủ Hà Lan có trách nhiệm ngăn ngừa sự xuất hiện của dịch bệnh; kiểm tra nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu; quy định về vệ sinh, tiêu độc khử trùng, quy trình vận chuyển…
Sau hơn 5 tháng xảy ra DTLCP, nhiều hộ chăn nuôi và kinh doanh thức ăn, thuốc thú y ở Thủ đô gần như "trắng tay"...