Chậm trả nợ, EVN gánh 3000 tỷ tiền lãi

Theo Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và Tập đoàn Dầu khí (PVN), tính đến nay Tập đoàn Điện lực (EVN) đã trả bớt hơn 2.000 tỷ đồng tiền nợ quá hạn cho hai đơn vị này.

“Sau nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương can thiệp, EVN vừa cam kết từ nay cho đến hết năm 2013 sẽ trả dứt khoản nợ gần 13.000 tỷ đồng còn lại cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN)”, ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc PVN cho biết ngày 1/11.

Hiện lượng điện PVN sản xuất và bán lại cho EVN chiếm khoảng 14% tổng sản lượng điện quốc gia. Sau thời gian cộng dồn, tính đến cuối tháng 9/2012, khoản nợ quá hạn mà EVN mua điện của PVN vọt lên đến 14.000 tỷ đồng.

Theo ông Quang, EVN vừa trả cho PVN khoảng 1.000 tỷ đồng tiền nợ cũ trước năm 2010. Còn lại khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó 10.000 tỷ đồng tiền mua điện và 3.000 tỷ đồng lãi vay được EVN cam kết sẽ trả hết cuối năm 2013.

Chậm trả nợ, EVN gánh 3000 tỷ tiền lãi - 1
EVN cam kết từ nay đến cuối 2013 sẽ trả dứt nợ 13.000 tỉ đồng cho PVN

Trong khi đó, chiều 1/11, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), cho biết nếu hồi đầu năm nay, có lúc khoản nợ quá hạn của EVN đối với TKV lên đến gần 2.000 tỷ đồng, vừa qua EVN đã trả bớt khá nhiều, còn lại khoảng 500 tỷ đồng.

Ông Biên cũng cho biết, theo kế hoạch trước đây, từ 15/9 đến hết năm 2012 EVN sẽ mua than của TKV để sản xuất điện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay EVN đã giảm lượng mua than, không mua theo kế hoạch, dự kiến giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng. Trong 2 tháng cuối năm, EVN chỉ mua than chạy điện với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.

Điều này cho thấy cơ cấu sản xuất điện của EVN đang dần nghiêng về thủy điện do thiên nhiên thuận lợi, nguồn nước về dồi dào. Trong 10 tháng đầu năm 2012, EVN đã vận hành thêm 6 tổ máy thủy điện với tổng công suất 1.153 MW.

Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo ngày 29/10 vừa qua, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết EVN sẽ không tăng giá điện trong tháng 11 này, một phần bởi qua rà soát cơ cấu trong khâu phát điện từ tháng 7, 8, 9 cho thấy chi phí sản xuất trong khâu phát điện thực tế tại EVN có thấp hơn so với chi phí phát điện trong kế hoạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Nam (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN