Cây xăng gian lận có thể bị rút giấy phép
Ngày 18-7, Cục Thuế TP HCM đã tổ chức gặp gỡ 29 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để thông báo kế hoạch dán tem thuộc khuôn khổ của đề án nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.
Theo đó, dự kiến đầu tháng 8, Cục Thuế sẽ tiến hành dán tem tại các cây xăng và sẽ hoàn thành trong tháng 9. Tại các cây xăng, cơ quan thuế dán ở đồng hồ công tơ tổng loại tem bóc vỡ, chống giả có ký hiệu số xêri, biểu tượng cục thuế. Ngoài ra, loại tem có mã vạch cũng được dán trên các cột đo xăng dầu.
Chủ các cây xăng dầu tự xác định các chỉ số thể hiện trên đồng hồ công tơ tổng để tính toán sản lượng xăng dầu xuất bán để làm cơ sở tính thuế, có trách nhiệm bảo quản các loại tem dán, nếu tự ý bóc dỡ, làm hỏng tem niêm phong sẽ bị xử lý. Cây xăng cần cung cấp cho cơ quan quản lý số liệu xăng dầu vào ra để phục vụ công tác quản lý thuế; không được sử dụng bất cứ hóa đơn, chứng từ nào khác ngoài những hóa đơn, chứng từ đúng luật để cung cấp cho người mua xăng dầu. Trường hợp cột đo xăng dầu, đồng hồ tổng hư hỏng cần thay thế, chủ cửa hàng xăng dầu phải thông báo với cơ quan thuế, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP để xác định chỉ số công tơ tổng tại thời điểm hư hỏng và khi sửa chữa xong sẽ dán lại.
Dự kiến đầu tháng 8, Cục Thuế TP HCM sẽ tiến hành dán tem tại các cây xăng Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế, cho biết bước đầu, cơ quan thuế chỉ vận động tuyên truyền các doanh nghiệp (DN) nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về dán tem. Tiếp đến, sẽ đột xuất kiểm tra vị trí dán tem tại các cây xăng. Nếu phát hiện chủ cây xăng vi phạm về bảo quản tem đã dán, cơ quan thuế sẽ lập biên bản rồi chuyển cho Sở Khoa học và Công nghệ xử lý theo quy định.
Đề cập tình huống chủ cây xăng kê khai thiếu trung thực, ông Phạm Công Lý, Phó trưởng Phòng Kiểm tra 1 Cục Thuế TP, cho biết hiện nay các chủ cây xăng báo cáo doanh thu cho công ty mẹ nên cơ quan thuế chỉ nắm bắt được doanh thu từ các DN này để tính thuế. Do đó thông qua việc dán tem, cơ quan thuế có thể nắm bắt được chi tiết sản lượng bán ra của từng cây xăng để làm cơ sở tính thuế. Mặt khác, qua công tác kiểm tra, ngành thuế cũng biết được chủ cây xăng có bán hàng không rõ nguồn gốc hay không, từ đó công khai danh tính trên các phương tiện truyền thông; chuyển cơ quan công an hoặc quản lý thị trường xử lý thích đáng hành vi khai man trốn thuế. Đồng thời, qua các chỉ số của cơ quan thuế sẽ giúp cho các công ty mẹ biết chủ cây xăng kinh doanh có đàng hoàng hay không, từ đó đưa ra quyết định ngưng cung cấp xăng dầu.
"Tại các cuộc họp với ngành thuế, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến từng nói cây xăng nào gian lận trong kinh doanh, cơ quan thuế có thể thông báo cho UBND TP xem xét rút giấy phép hoạt động kinh doanh" - ông Lý cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc dán tem cây xăng bởi nhà nước sẽ quản lý được lượng hàng xăng dầu tiêu thụ, hạn chế hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chống thất thu thuế. "Thậm chí, chúng tôi còn mong muốn sẽ có kết nối với cột bơm thông qua phần mềm để mỗi giao dịch đều được nhà nước quản lý. Dán tem thực ra vẫn là cách thủ công. Song, phải tiến tới kết nối thông minh để cơ quan thuế quản lý được nhất cử nhất động hàng hóa ra vào" - ông Năm bày tỏ.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho hay việc dán tem cây xăng để chống thất thu thuế sẽ có lợi cho ngành thuế trong việc kiểm soát đầu ra để tính thuế. Bản thân DN không bị ảnh hưởng cũng không thấy phiền hà. "Chỉ những DN làm ăn gian lận mới thấy phiền hà cho công việc của họ. Chúng tôi không bị ảnh hưởng gì đến sản xuất, kinh doanh" - ông cho hay.