Cây đô la nở hoa trên vùng đất khó

Là người tiên phong đưa mô hình cây đô la về trồng tại địa phương, anh Thìn đã tạo ra hướng đi trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây “tiền tỷ” trên vùng đất khó

Hầu hết với người dân tại vùng đất khó xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cái tên cây đô la nghe có phần xa lạ. Thế nhưng, với người nông dân trẻ Lê Văn Thìn, SN 1988, trú làng Chuk, người khởi xướng mô hình trồng cây đô la đầu tiên tại địa phương tạo ra hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong dịp ngang qua xã Kon Thụp, chúng tôi ghé quán cà phê ven đường, tình cờ nghe người dân địa phương bàn tán rôm rả về loại cây có tên khá lạ lẫm là cây đô la. Với người dân đây là loại cây mới lạ, nhưng với anh Thìn loại cây này mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Qua người dân, chúng tôi có được số điện thoại, hẹn gặp người nông dân trẻ. Chừng 10 phút sau cuộc gọi, anh Thìn xuất hiện trong bộ quần áo lao động lấm lem bùn đất. Sau màn chào hỏi, anh Thìn dẫn đường cho chúng tôi đi từ trung tâm xã Kon Thụp vào làng Chuk, mục sở thị khu vườn trồng cây đô la của gia đình.

Anh Thìn người nông dân tiên phong đưa cây đô la bạc về trồng tại địa phương.

Anh Thìn người nông dân tiên phong đưa cây đô la bạc về trồng tại địa phương.

Kể về cái duyên đến với giống cây lạ này, anh Thìn chia sẻ: “Trước đây tôi làm nghề sửa xe máy. Tích cóp dần dần được ít tiền, tôi mạnh dạn vay mượn thêm mua 1ha rẫy trồng hồ tiêu. Đang chắc mẩm thu tiền tỷ thì mấy trăm trụ hồ tiêu mắc bệnh rồi chết hàng loạt.

Tiếp đó, gia đình tôi đành ngậm ngùi phá bỏ hồ tiêu trồng khoai lang, ớt, mỳ… nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Đầu năm 2022, trong bữa nhậu, một người quen bảo nên thử nghiệm trồng cây đô la bạc vì ở tỉnh Lâm Đồng có nhiều người giàu lên nhờ đó, nhưng ở Gia Lai chưa có ai trồng.

Loại cây này còn có tên gọi là khuynh diệp hoặc bạch đàn guinii, có nguồn gốc từ châu Úc, được trồng để sản xuất tinh dầu, cắm hoa trang trí. Ở nước ta, ngoài tỉnh Lâm Đồng thì có mấy tỉnh phía Bắc đã trồng. Nhiều người còn dùng để nấu nước xông khi cảm hay bỏ xe ô tô để khử mùi. Tối đó, tôi về nhà, mở mạng tìm hiểu giống cây này và mạnh dạn đặt mua giống về trồng”.

Hướng đi mới cho nông nghiệp

Theo anh Thìn, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tháng 3, gia đình anh xuống rẫy trồng 1.200 cây giống đô la bạc. Chi phí đầu tư ban đầu gần 200 triệu đồng nên cả ngày lẫn đêm, gia đình đều có người ở trong chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Nhưng vì thiếu kỹ thuật nên cây bị chết khá nhiều. Cả vườn chỉ được khoảng 1/3 cây giống phát triển xanh tốt.

Từ số cây này, gia đình anh Thìn cắt cành lá bán cho khách hàng với giá bán 80-120 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, có khoảng 20-30 kg cành lá cây đô la bạc theo xe đò từ Kon Thụp đến các cửa hàng hoa ở tỉnh Gia Lai, Bình Định.

Cây đô la bạc phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây đô la bạc phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thìn phấn khởi: “Hiện, ở Gia Lai mới chỉ có mỗi gia đình tôi trồng nên không khó tìm đầu ra. Đầu tháng 7, tôi chạy lên các cửa hàng bán hoa cắm ở Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai) và Tp.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chào hàng, họ đặt mua liền à. Mấy cửa hàng cũng giới thiệu cho nhau nên có nhiều chỗ khác gọi điện đặt mua. Vì thế, cứ sáng sớm hoặc chiều tối, chúng tôi ra vườn cắt cành, cắm đầu cành vào can nước gửi cho khách hàng. Có ngày tôi bán đến 50 kg cành lá cho người ta”.

“Ban đầu cũng chưa dám khẳng định mọi điều sẽ suôn sẻ nhưng ở vùng này mà có thu nhập chừng 2-3 triệu đồng/ngày là cao rồi. Tôi tính khoảng vài tháng nữa là trả hết nợ đầu tư ban đầu, sau đó sẽ thu lời. Qua tìm hiểu thị trường, được biết, đã có doanh nghiệp thu mua cành lá của cây đô la bạc để chiết xuất tinh dầu, tôi đang tính toán, nếu đầu ra ổn định sẽ mở rộng diện tích trồng. Cũng mong loại cây này sẽ mang lại cho gia đình nguồn thu nhập cao hơn, có tiền trả nợ đầu tư lâu nay, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”, anh Thìn cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp Lương Đình Lực cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có gia đình anh Thìn trồng cây đô la bạc. So với các hộ sản xuất nông nghiệp ở xã thì nguồn thu này là khá cao. Chúng tôi cũng đánh giá cao những nông dân trẻ, nhanh nhạy với thị trường, mạnh dạn trồng loại cây mới để có thu nhập ổn định hơn như anh Thìn. Tuy nhiên, xã cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thị trường, không nên trồng ồ ạt theo phong trào".

Làng cốm Mễ Trì vào vụ lớn nhất trong năm

Người dân tại làng cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya trong giai đoạn cao điểm sản xuất trong vụ mùa cốm lớn nhất trong năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Hải Nam ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN