Cào tiền dưới biển

Những ngày này, nhiều hộ dân nghèo ở 2 xã ven biển Đông Hải và Dân Thành (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) kéo nhau xuống biển cào nghêu giống. Nghêu giống lúc nào cũng hút hàng, giá cao và người nghèo xem đây là “lộc biển” giúp họ có công ăn việc làm và thu nhập khá.

Kéo nhau cào nghêu

Từ trung tâm tỉnh lỵ Trà Vinh, chúng tôi vượt hơn 70km về đến vùng biển Dân Thành và Đông Hải. Bờ biển dài hơn 10km là nơi nghêu giống (nghêu cám) sinh sản với số lượng lớn. Chị Trần Thị Huệ, cư dân xã Dân Thành, cho biết cứ 4-5 giờ sáng hàng trăm người kéo nhau ra bờ biển cào nghêu giống bán lại cho thương lái với giá 10 đồng/con (loại 100.000 con/kg).

Nhờ “lộc biển” nên lượng nghêu giống ở đây tương đối nhiều giúp người lao động thu nhập 200.000- 400.000 đồng mỗi buổi cào nghêu. Theo người dân địa phương, vùng này ngày trước không có nghêu, nghêu giống chủ yếu có ở bãi biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre)…

Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều nghêu cám xuất hiện ở vùng biển này. Lúc đầu sản lượng ít, sau đó lượng nghêu tăng dần nên giúp dân nghèo ai nấy có việc làm, thu nhập cao rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Rực, ở ấp Thuận An, xã Đông Hải, tâm sự phần lớn người dân xứ biển đất đai rất ít, nhiều hộ mưu sinh bằng làm thuê, làm mướn hoặc thả câu, lưới kiếm tiền mua gạo. Tuy nhiên thời gian gần đây công việc làm mướn cũng ít do không có người thuê, còn câu, lưới thu nhập không ổn định bởi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy việc xuất hiện các bãi nghêu giống đã cứu nhiều hộ dân huyện Duyên Hải.

Ông Rực nói: “Phương tiện đi cào nghêu cũng rất đơn giản, bộ đồ nghề gồm thanh gỗ phía dưới có lưỡi sắt và lưới mùng gắn vào. Giá cả bộ đồ trên khoảng 150.000 đồng, có thể cào nghêu suốt nhiều mùa. Dân cào nghêu thường cào lớp cát trên mặt, sau đó đãi để tìm nghêu giống lẫn trong cát. Lượng nghêu giống này khi thu hoạch xong, đến cuối buổi bán cho thương lái túc trực sẵn chờ mua ngay tại bãi”.

Tại vùng biển Duyên Hải, không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em khi nghỉ hè cũng theo cha mẹ cào nghêu. Em Trần Thanh Dũng, học sinh lớp 7 ở xã Đông Hải, cho biết nhà trường vừa cho nghỉ hè là tụi em xuống biển liền. Ngoài cào nghêu giúp gia đình, chúng em còn kiếm thêm tiền để mua tập sách, quần áo cho năm học mới. Mới 13 tuổi, Dũng đen nhẻm và có vẻ rành về nghề biển.

Ông Nguyễn Văn Hôn, ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, cho hay dân ấp vùng sâu này nằm heo hút ít người qua lại, vậy mà tới mùa nghêu náo nhiệt lạ thường, bởi ngày nào cũng có hàng trăm người kéo đến cào, mua bán.

Theo ông Ngô Anh Khiêm, Chủ tịch UBND xã Đông Hải, năm nay tuy trữ lượng nghêu giống không bằng năm trước, nhưng cũng giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập vài trăm ngàn đồng mỗi ngày, tính ra cao hơn nhiều so với làm những nghề khác.

Cào tiền dưới biển - 1

Nông dân khai thác nghêu

Giữ gìn lộc biển

Có thể nói, vùng ven biển ĐBSCL từ Tiền Giang sang Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… là những nơi có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để bãi nghêu phát triển. Thời gian qua, nghêu là mặt hàng thủy sản được xuất khẩu mạnh sang các nước châu Âu, châu Á, Hoa Kỳ… Trung bình, giá nghêu thịt xuất khẩu 4-5USD/kg; nghêu nguyên con giá 2-2,5USD/kg.

Đây là mức giá tốt, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp chế biến và người nuôi nghêu. Theo sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL, vừa qua khi nghêu được thị trường châu Âu công nhận là sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, rất nhiều đơn hàng liên tục được đặt.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Gò Đàng, doanh nghiệp xuất khẩu nghêu hàng đầu Việt Nam, cho biết từ chỗ ít ai quan tâm, nay con nghêu trở thành mặt hàng đặc sản để xuất khẩu. Cái lợi của con nghêu so với các mặt hàng thủy sản khác là giá cả ổn định, vì vậy khi ký hợp đồng xuất khẩu doanh nghiệp rất an tâm. Khách hàng quốc tế rất mê nghêu ở ĐBSCL, bởi nghêu trắng, thịt ngọt, dinh dưỡng cao… Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển nghêu còn rất lớn.

Cái khó là tình trạng giữ gìn, khai thác và phát triển các bãi nghêu ở ĐBSCL còn bất cập. Lo ngại nhất là tình trạng bắt nghêu giống vô tội vạ ở một số nơi, gây ô nhiễm môi trường sống, đồng thời có nguy cơ hủy diệt bãi nghêu. Có thời gian xuất hiện chuyện “cướp nghêu giống và nghêu thịt” xảy ra ở Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre…

Theo UBND tỉnh Bến Tre, để phát triển bền vững các bãi nghêu cần tổ chức người dân vào hợp tác xã để vừa khai thác vừa bảo vệ.

Ông Trần Văn Kiển, Chủ nhiệm Hợp tác xã nghêu Đồng Tâm (Bến Tre), thừa nhận 700ha nghêu trước đây luôn đối mặt với nạn trộm cắp, khai thác tràn lan vô chủ. Từ khi quy tụ người dân vào hợp tác xã đặt lợi ích của xã viên lên hàng đầu. Mọi việc như khai thác nghêu giống, nuôi nghêu thịt, thu hoạch, tiêu thụ… hợp tác xã đều bàn bạc thống nhất với các xã viên.

Một khi tuyên truyền người dân thông suốt, quyền lợi và trách nhiệm được công khai rõ ràng, minh bạch mọi người đều chung sức giữ gìn và phát triển bãi nghêu, bởi đây là nguồn sống của họ. Ông Kiển cho biết, với giá nghêu thịt dao động khoảng 25.000 đồng/kg, trong 5 tháng đầu năm 2012 doanh thu Hợp tác xã Đồng Tâm đạt trên 20 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2012 sẽ thu về 40 tỷ đồng. Từ thành công về quản lý và khai thác bãi nghêu theo mô hình hợp tác xã, đến nay Bến Tre đã nhân rộng lên thành 10 hợp tác xã thủy sản với 8.750 hộ xã viên và 35 tập đoàn nuôi nghêu, diện tích trên 9.500ha.

Tại Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre… mô hình hợp tác xã nghêu cũng đang phát huy tác dụng. Đây được xem là hướng đi mới để phát triển bền vững nghề nuôi, khai thác, chế biến và xuất khẩu nghêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN