Cao điểm du lịch hè: Máy bay kín chỗ, “cháy” vé “giờ vàng” các chặng nội địa
Đại dịch Covid-19 đi qua, năm 2023 tiếp tục như một sự trở lại "ngoạn mục" của ngành du lịch không khói. Bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày (30/4-1/5) cũng là bắt đầu mùa hè, hầu như các tụ điểm du lịch cả nước bị “cháy” xe, “cháy” phòng, “cháy” vé máy bay,...
Anh Đào Anh Tuấn, một nhân viên đại lý bán vé máy bay tại Hà Nội cho hay, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày dẫn đến nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tình trạng khan vé cũng vì thế mà xảy ra. Càng sát ngày nghỉ lễ, giá sẽ càng tăng cao, thậm chí chạm ngưỡng kỷ lục. Dù chấp nhận mức giá cao nhưng cũng không dễ mua được vé bởi các chuyến bay hầu hết đã trong tình trạng kín chỗ.
Hiện các hãng hàng không đã có kế hoạch tăng tải cho dịp cao điểm nhưng dự báo là khó đáp ứng hết nhu cầu đi lại của người dân.
Cận ngày lễ dịp 30/4 - 1/5, hầu như các chặng bay nội địa đều đã bán hết vé
Trong đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo đã sẵn sàng nguồn lực tối đa cho dịp cao điểm.
Riêng mạng bay nội địa, Vietnam Airlines Group tăng cường khai thác tối đa cho dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, với tỷ lệ số chuyến bay và số ghế tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước.
Bamboo Airways cũng thông báo dự kiến tăng 15% cung ứng tải nội địa. Vietjet Air thông báo tăng 152 chuyến bay mỗi ngày,...
Theo số liệu báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, vào hai ngày cao điểm 28 và 29/4, tổng số ghế được cung ứng ra thị trường trên chặng bay từ Hà Nội đi các điểm du lịch trọng điểm như Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Đồng Hới vào khoảng 41.000 ghế.
Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến bay đến các điểm nóng du lịch dịp 30/4 đều hơn 80%, có chuyến bay đạt 100%
Riêng trong ngày 29/4, tỷ lệ lấp đầy ghế máy bay đặc biệt cao như chặng Hà Nội - Huế đạt 100%, Hà Nội - Tuy Hòa đạt 93%, Hà Nội - Đồng Hới/Quy Nhơn đều đạt trên 96%...
Ngành hàng không đã thực sự phục hồi sau hơn 1 năm mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) thông tin, sau hơn 1 năm mở lại đường bay quốc tế (ngày 15/2/2022) và mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (ngày 15/3/2022), hàng không thật sự đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia.
"Sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ hàng không - du lịch trong giai đoạn hiện nay không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm công bằng về cơ hội phát triển giữa các vùng… mà còn tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, nhất là các ngành dịch vụ liên quan, khôi phục lại công việc cho người lao động", ông Hà Văn Siêu cho hay.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, đến tháng 4/2023, 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ với là ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi.
Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam đã mở cửa trở lại, tuy nhiên tần suất khai thác của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc mới đạt khoảng 50% so với giai đoạn trước dịch.
Ngoài ra, trong quý I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 7,1 triệu khách (bằng xấp xỉ 68% so cùng kỳ năm 2019).
Cũng theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục và với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý I/2023.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong 3 tháng đầu năm, nhà phân phối Mercedes-Benz lớn nhất tại Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.