Cảnh giác với thủ đoạn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để lừa đảo khi mua sắm trực tuyến

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khi mua hàng trực tuyến trên mạng xã hội, nhiều nạn nhân đã bị các đối tượng đánh cắp thông tin, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra video giả giọng để gọi điện vay tiền.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, người dân thường xuyên sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức, giải trí, trao đổi công việc, đặc biệt là mua sắm online, bởi sự tiện lợi của nó mang lại như tiết kiệm thời gian công sức đi lại; ngồi nhà cũng săn được hàng tốt, giá hời... Cùng với những tiện ích trên, người dân thường xuyên bị các đối tượng dùng những thủ đoạn tinh vi để lừa đảo.

Chị N.T.H. trú tại phường Quảng Thịnh, TP. Thanh Hóa, là một trong những người có thể nói là am hiểu về các phương thức lừa đảo trên mạng xã hội nhưng không ngờ có một ngày chị lại bị các đối tượng hack Facebook, chiếm quyền sử dụng, sau đó giả mạo chị để gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều người trở thành nạn nhân khi mua hàng trực tuyến (ảnh minh họa)

Nhiều người trở thành nạn nhân khi mua hàng trực tuyến (ảnh minh họa)

Theo chị H. cho biết, vì công việc bận rộn nên chị ít có thời gian đi mua sắm tại các cửa hàng mà thường mua trực tuyến qua các tài khoản Facebook. Có một lần sau khi chốt đơn bằng cách bình luận ở Facebook cửa hàng, chị nhận được cuộc gọi giả danh từ đối tượng lừa đảo yêu cầu đọc thông tin nhận hàng. Tin tưởng shop nên chị cho thông tin và được nhân viên trong điện thoại nhắc nhở về việc không chuyển cọc cho các đối tượng lừa đảo.

Sau khi có được lòng tin của chị H., đối tượng yêu cầu chị đọc mã chốt đơn bao gồm 8 số vừa được gửi qua tin nhắn của điện thoại. Không nghi ngờ gì, chị mở tin nhắn trên điện thoại đọc 8 số cho họ. Ngay ngày hôm sau, bạn bè, người thân liên tiếp gọi điện cho chị, xác nhận lại có đúng là chị vay tiền không. Thậm chí, chúng còn nhắn kèm số tài khoản trùng cả họ tên của chị, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra video giả giọng giống của chị để gọi điện vay tiền. Mặc dù đã nhờ bạn bè đăng tải thông tin về việc chị bị hack Facebook nhưng vẫn có người "sập bẫy" của đối tượng lừa đảo.

Chị T.T.L., một nạn nhân khác trú tại phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa lại bị các đối tượng đánh cắp thông tin khi chị chốt đơn livestream trên Facebook mua túi xách. "Vì hôm đấy tôi không có nhà nên không nhận hàng trực tiếp như mọi lần, người giao hàng gợi ý sẽ gửi hàng xóm, rồi tôi chuyển khoản cho họ. Vì tin tưởng hàng chuẩn của shop nên tôi đồng ý chuyển khoản mà không kiểm tra hàng. Khi về, nhận hàng bóc ra tôi thấy hàng không đúng với mẫu mã, chất lượng như đã đặt, gọi lại shop thì mới biết gói hàng mình nhận không phải của shop và mình đã bị lừa. Cũng may là giá trị mặt hàng không quá cao", chị L. bức xúc cho biết.

Từ những vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo, rất nhiều nạn nhân bị đánh cắp thông tin khi mua hàng trên Facebook, vì vậy để tránh việc vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ, người dùng mạng xã hội cần đề cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội; thường xuyên cập nhật, nắm bắt các khuyến cáo từ các cơ quan chức năng; tuyệt đối không được cung cấp thông tin của mình cho người lạ và các đối tượng không tin cậy...

''Vạch mặt'' các thủ đoạn lừa đảo đặt tour du lịch giá rẻ kỳ nghỉ hè

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Hân ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN