Cảnh giác với kiểu thu mua nông sản “lạ”
Nếu như những năm trước, thương lái vào tận vườn mua lá mãng cầu, hoa thanh long, cau non, cam non, cỏ xuyến chi... thì gần đây, ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, nổi lên hiện tượng thương lái thu mua thân cây nhàu, lá nhàu tươi và cá lìm kìm gai…
Ông Đinh Đức Thiệu (ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), cho biết ông làm nghề thu mua trái nhàu đã gần 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ nghe mua lá nhàu để làm gì cả. “Trước cũng có người đến đặt hàng tôi thu mua lá nhàu tươi, sau đó phơi khô đem lên TP Hồ Chí Minh bán với giá từ 120.000-150.000 đ/kg. Thấy nhiều điểm bất thường và ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người dân, tôi không đồng ý thu gom cho họ”.
Ông Thiệu cho biết hiện lá nhàu tươi được người khác mua với giá 4.000đ/kg. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người đã hái lá tươi bán. “Việc hái lá nhàu tươi bán chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây nhàu. Và đến một ngày, bà con ở đây sẽ không còn trái nhàu để bán, ảnh hưởng lớn đến thu nhập”, ông Thiệu lo ngại.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, trên địa bàn xã có 8 đại lý thu mua trái nhàu, trong đó có 1 địa chỉ nhận mua lá nhàu. Xã đã trao đổi với các đại lý và nhận thấy đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến kinh tế, khuyến cáo không nên thu mua lá nhàu. Điều khiến chính quyền địa phương cảm thấy lo ngại là người ở địa phương khác đến săn lùng thu mua lá nhàu.
Một cơ sở thu mua lá nhàu tươi ở huyện Thới Bình (Cà Mau).
“Trước tình hình này, xã tham mưu Phòng NN&PTNT huyện có định hướng tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi trong người dân, thấy được tác hại trước mắt và lâu dài”, ông Toàn chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 61 cơ sở mua trái nhàu tươi. Các cơ sở trên địa bàn tỉnh mua trái nhàu tươi với sản lượng bình quân từ 0,1 - 2 tấn trái tươi/ngày, với giá từ 7.000-15.000đ/kg. Đối với lá nhàu, có vài người ngoài tỉnh đến thu mua với số lượng khoảng 300kg lá nhàu khô với giá 40.000đ/kg.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, phần lớn trái và lá nhàu sau khi phơi khô, các cơ sở mua trên địa bàn tỉnh bán cho một doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Long An và một doanh nghiệp sản xuất thuốc Đông dược tại TP Hồ Chí Minh. Việc thương lái mua lá nhàu, trái nhàu là hoạt động kinh doanh bình thường. Chưa phát hiện thương lái người nước ngoài mua loại nông sản này và các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thuê đất trồng cây nhàu.
Liên quan đến tình trạng một số người ngày đêm săn lùng mua cá lìm kìm gai với giá cao ngất ngưởng, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau), kể: “Hơn một tháng trước, một số người đến nhà tôi đề nghị tôi thu mua cá lìm kìm gai với giá từ 750 – 800 ngàn đồng/kg cá tươi, từ 3-4 triệu/kg cá khô. Họ đặt cọc trước, khoảng 2 ngày thì đến thu gom và đặt cọc tiếp”. Khi được hỏi mục đích thu mua loài cá lìm kìm gai dùng để làm gì, thì ông Dũng không biết vì thương lái không nói…
Thiết nghĩ, các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc thu mua nông sản “lạ”, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây bất ổn…
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Cà Mau, các đơn vị có liên quan… tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thu mua trái nhàu, lá nhàu và các nông sản khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời xử lý hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời tuyên truyền, cảnh báo người dân việc thương lái thu mua trái nhàu, lá nhàu và nông sản khác một cách bất thường, nhất là đối với thương lái người nước ngoài… Cây nhàu hay còn gọi cây ngao, giầu... Cây cao từ 6-8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, dọc bờ sông, bờ suối, xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung, miền Nam nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc là trái, rễ, hạt của cây nhàu. Theo dân gian, quả nhàu ăn với muối dễ tiêu, nhuận tràng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, đau gân, đái đường; nướng chín ăn để chữa lỵ… Còn cá lìm kìm hay còn gọi là cá kìm. Đây là một họ cá phân bố khá rộng, sống tại những khu vực nước ấm trên toàn thế giới. Vì miệng của cá rất nhỏ nên không thể bắt cá bằng cách thả câu mà chủ yếu là giăng lưới. Cá lìm kìm mùa nào cũng có nhưng nhiều nhất vẫn là mùa nắng nóng... |