"Cánh cửa hẹp" của ô tô nhập khẩu
Cánh cửa cho ô tô nhập khẩu về Việt Nam trở nên hẹp hơn khi Thông tư 03 hướng dẫn việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu đã chính thức được ban hành sau một thời gian dài chờ đợi.
“Cánh cửa hẹp” cho ô tô nhập khẩu
Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP. Thông tư được ban hành sau một thời gian dài doanh nghiệp chờ đợi.
Mặc dù đến 1/3/2018 mới có hiệu lực, tuy nhiên, trong điều khoản chuyển tiếp Thông tư 03 nêu rõ việc kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu đối với các xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam kể từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm có hiệu lực của Thông tư này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị đinh số 116/2017/NĐ-CP.
Như vậy, về cơ bản, các quy định vẫn được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 116.
Cụ thể, để được nhập khẩu các ô tô nhập khẩu (chưa qua sử dụng) vào Việt Nam doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Đây chính là điểm "gây khó" cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô hiện nay.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, một quy định nữa cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phản ứng đó là ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.
Trong đó, cơ quan kiểm tra sẽ lấy ngẫu nhiên 1 hoặc 2 xe mẫu đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu đã được kiểm tra để doanh nghiệp nhập khẩu tự đưa xe đến các cơ sở thử nghiệm và được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe trong toàn bộ xe nhập khẩu. Riêng đối với mẫu ô tô đưa thử nghiệm thì trong giấy Chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu có ghi chú “chiếc xe này đã dùng để thử nghiệm tại Việt Nam”.
Trường hợp mẫu ô tô được kiểm tra, thử nghiệm không đáp ứng các quy định về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật thì doanh nghiệp nhập khẩu phải tái xuất toàn bộ ô tô thuộc cùng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu đó.
Ngoài ra, từ 1/3/2018, khi Thông tư 03 có hiệu lực, doanh nghiệp cũng phải cung cấp thêm bản sao giấy chứng nhận kiểu loại của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía tróc, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ô tô nhập khẩu trở nên khan hiếm
Cho dù thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về thị trường Việt Nam chính thức giảm về 0% từ 1/1/2018 nhưng lượng xe nhập khẩu nói chung và từ thị trường này trở nên khan hiếm hơn do các rào cản từ Nghị định 116.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu 2018, cả nước nhập về tổng số 60 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại. Đáng chú ý, chỉ có 6 chiếc ô tô dưới 9 chỗ ngồi được nhập về trong thời gian này. Đây là con số giảm mạnh chưa từng thấy so với cùng kỳ năm trước và cả so với kỳ nhập khẩu liền kề trước đó.
Đầu tháng 1, Toyota, Honda và nhiều hãng xe cũng đồng loạt tuyên bố tạm dừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam do các vướng mắc từ Nghị định 116. Trong đó, các doanh nghiệp kiến nghị chủ yếu về quy định Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài và yêu cầu kiểm định riêng đối với từng lô xe được nhập khẩu do chi phí quá tốn kém.
Cho dù trước thời điểm 1/1/2018, một số doanh nghiệp nhanh chân nhập những lô xe cuối cùng về Việt Nam. Nhưng lượng xe nhập khẩu không nhiều dẫn đến việc thị trường bắt đầu khan hiếm và khiến cho giá bán của nhiều dòng xe đắt đỏ hơn trước thời điểm Tết Nguyên đán, thời điểm mua sắm của người Việt.
Chưa tính đến việc bị đẩy giá bán lẻ lên cao do phải nhập khẩu về khi thuế suất vẫn ở mức 30%, do lượng xe khan hiếm, các đại lý ô tô Honda đưa ra yêu cầu khách hàng mua xe phải mua kèm phụ kiện với tổng chi phí thêm từ 50 - 70 triệu đồng.
Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu hạn chế cũng khiến cho giá xe Toyota Fortuner tại đại lý bị đội lên rất mạnh, có thời điểm giá xe chênh đến gần 200 triệu đồng. Hay khách hàng đang có nhu cầu mua các mẫu xe nhập khẩu khác như Suzuki Celerio bắt đầu bị đại lý ép mua thêm phụ kiện.
Trước thời điểm Bộ GTVT ban hành Thông tư hướng dẫn, đại diện một doanh nghiệp cho hay chưa biết thời điểm nào thì các lô xe tiếp theo mới được nhập về thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, các quy định mới cũng khiến cho hàng loạt mẫu xe được mong chờ như Honda Jazz, Toyota Wigo, Toyota Avanza khó có cơ hội về Việt Nam.