Cảnh báo tình trạng thu hoạch cà phê xanh bán chốt lời
Giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang giữ ở mức cao nhất trong hơn 10 năm qua khiến nhiều chủ vườn lập tức thu hoạch, bán chốt lời ngay tại rẫy. Bà con lo sợ nếu để thêm vài tuần nữa, khi bước vào chính vụ, giá loại nông sản này sẽ không còn giữ được ở mức cao như hiện tại.
Chưa có năm nào giá cà phê cao như năm nay. Có thời gian, cà phê nhân được các doanh nghiệp thu mua lên tới gần 70.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm giá loại nông sản này xuống thấp. Hiện nay, cà phê nhân ở khu vực Tây Nguyên đang được người dân bán cho các doanh nghiệp với giá hơn 57.000 đồng/kg. Mặc dù đã rớt xuống khoảng 10 giá so với thời điểm lập đỉnh nhưng với giá này, người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn trúng lớn.
Lo sợ vài tuần nữa vùng trồng cà phê trọng điểm của cả nước bước vào cao điểm mùa thu hoạch, giá cả sẽ xuống thấp, không ít nhà vườn đã thuê người về thu hoạch, bán cà phê tươi ngay tại rẫy cho thương lái tới thu mua. Điều đáng nói, hiện nay phần lớn diện tích cà phê ở Lâm Đồng quả vẫn còn xanh, mới khoảng trên dưới 30% số quả chín, phải khoảng 2 tuần nữa loại nông sản này mới đạt độ chín đều và đủ điều kiện để thu hoạch.
Các cơ quan chức năng cảnh báo tình trạng người dân thu hoạch cả cà phê còn xanh để bán chốt lời khi giá loại nông sản này đang ở mức cao.
Ông Hoàng Văn Đạt (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cho biết, khi nào quả chín đỏ rực, đạt ít nhất 90% toàn vườn gia đình ông mới thuê người về thu hoạch. Với gần 10ha cà phê, gia đình ông Đạt dự kiến phải mất hơn 1 tuần mới thu hoạch xong. Không bán cà phê tươi ngay tại rẫy như nhiều gia đình khác ở địa phương, năm nay ông Đạt đã lắp đặt hệ thống sấy cà phê tại nhà nên nắng hay mưa trong thời gian thu hoạch không còn quá quan trọng.
Theo ông thu hoạch cà phê khi quả còn xanh để bán trong thời gian này có thể cao hơn 1 tới 2 giá so với bước vào thời điểm chính vụ nhưng năng suất, chất lượng cà phê lại giảm do hạt chưa đủ độ già, căng mẩy. “Việc bán cà phê khi quả còn xanh chưa chắc đã có lời như nhiều người vẫn tưởng!..”, ông Hoàng Văn Đạt cho biết.
Việc thu hái cà phê khi chưa đạt tới độ chín nhất định sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng, uy tín của ngành cà phê Việt Nam. Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải liên tục phát đi khuyến cáo, đề nghị người dân không thu hái cà phê khi quả còn xanh, các doanh nghiệp cũng không nên thu mua loại cà phê chưa đảm bảo chất lượng. Theo UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), địa phương hiện có hơn 39.000ha cà phê, niên vụ này ước đạt hơn 136.000 tấn nhân. Thời gian qua không ít nhà vườn đã thu hoạch cả cà phê xanh để bán. Có vườn tỉ lệ cà phê xanh chiếm tới 50% nhưng đã bị gia chủ thu hoạch.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đã có hướng dẫn tới bà con trồng cà phê trong niên vụ thu hoạch này. Cụ thể, đối với quả cà phê áp dụng phương pháp chế biến ướt, các chỉ tiêu và tỷ lệ quảchín phải đạt < 90%; quả khô, quả chùm, quả xanh < 9%; quả lép <3%; tạp chất và quả xanh non <1%; quả thối, mốc <1%. Đợt thu hoạch cuối vụ cũng phải đạt tỷ lệ quả chín trên 85%, tỷ lệ tạp chất và quả xanh non không quá 1% và không chiếm quá 10% tổng sản lượng toàn vụ.
Đối với quả cà phê áp dụng phương pháp chế biến khô, các chỉ tiêu và tỷ lệ quả chín là > 80%; quả khô, quả chùm, quả xanh < 15%; quả lép <5%; tạp chất và quả xanh non <2%; quả thổi, mốc <1%. Đợt thu hoạch cuối vụ cũng phải đạt tỷ lệ quả chín trên 75%, tỷ lệ tạp chất và quả xanh non không quá 2% và không chiếm quá 10% tổng sản lượng toàn vụ.
Chính quyền địa phương ở Lâm Đồng cũng đã đề nghị các cơ sở thu mua, chế biến cà phê có cơ chế thu mua phù hợp với phẩm cấp cà phê, không ép giá, đồng thời đẩy mạnh liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cà phê cho người dân thông qua hợp đồng kinh tế và nghiêm cấm việc thu mua cà phê khi quả còn xanh.
Năm nay, giá cà phê nhân tăng cao, người dân tích cực tái canh nên nguồn cung cây giống cà phê trở nên khan hiếm. Nhiều chuyên gia khuyến cáo với mức giá cao rất có thể xảy ra...
Nguồn: [Link nguồn]