Cảnh báo nhập lợn từ Thái Lan, rồi xuất "chui" qua Trung Quốc
Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ nửa tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập trên 53.000 con lợn thịt từ Thái Lan về phục vụ tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cảnh báo, có tình hiện tượng lợn nhập từ Thái được xuất chui qua Trung Quốc để hưởng chênh lệch, trái với mục đích cho nhập khẩu.
Lãnh đạo Cục chăn nuôi cảnh báo có hiện tượng nhập lợn sống từ Thái Lan về rồi xuất qua Trung Quốc để hưởng chênh lệch giá.
Theo Bộ NN&PTNT, từ 12/6/2020 đến hết năm 2020, Bộ đã cho phép thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ làm thực phẩm. Trong giai đoạn trên, đã có 35 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã nhập trên 450.000 con lợn thịt về giết mổ.
Trong chỉ gần nửa tháng 1/2021, Việt Nam đã nhập trên 53.000 con lợn thịt từ Thái Lan, chủ yếu qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).
Ngoài ra, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, trong đó có 19 quốc gia (với hơn 800 doanh nghiệp) được xuất khẩu thịt lợn vào nước ta..
Trong năm 2020, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 225 nghìn tấn thịt lợn các loại về phục vụ tiêu dùng trong nước (chủ yếu là từ Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha), tăng 260% so với năm 2019.
Đặc biệt, chỉ trong 13 ngày đầu tiên trong năm 2021, Việt Nam0 nhập hơn 600 tấn thịt lợn các loại từ Nga, Ba Lan, Brazil, Canada.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, có tình trạng xuất lậu lợn sống, lợn mảnh sang Trung Quốc để hưởng chênh lệch giá, trong đó có nguồn lợn nhập từ Thái Lan về với mục đích là cân đối cung-cầu trong nước.
Theo ông Trọng, hiện giá thịt lợn hơi ở Trung Quốc cao gần gấp đôi so với Việt Nam. “Có nghi vấn doanh nghiệp nhập cả lợn Thái nhập về rồi xuất đi Trung Quốc. Chúng ta phải kiểm soát được việc này mới chủ động được thực phẩm trong nước, cân đối được cung- cầu. Nếu cơ quan chức năng không can thiệp kịp thời, với giá Trung Quốc gần gấp đôi giá Việt Nam, bằng mọi cách thương lái tìm cách xuất lậu đi Trung Quốc”, ông Trọng cảnh báo.
Về nguồn cung thịt lợn trong nước, lãnh đạo Cục chăn nuôi cho biết, năm 2020, tổng sản lượng thịt cả nước đạt trên 5,3 triệu tấn, trong đó có 3,48 triệu tấn thịt lợn. Đến hết tháng 12/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con, đạt gần 89% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Trọng, tại 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tổng đàn lợn thịt đạt 5,5 triệu con, tăng 170% so với khi chưa có dịch và tăng trên 160% so với đầu năm 2020.
Đến nay có 16 tỉnh có tổng đàn lợn tăng trên 100% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, trong đó tăng mạnh nhất là Bình Phước tăng gần 170% (từ 800 nghìn con lên 1,3 triệu con)…
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, thời điểm cuối quý 3, đầu quý 4/2020 giá thịt lợn đã xuống ở mức xấp xỉ 70 nghìn đồng/kg, tuy nhiên gần đây giá đã tăng trở lại. “Qua tìm nắm tình hình tại địa phương, hiện giá lợn hơi xuất tại chuồng chỉ 78-82 nghìn đồng/kg, còn qua các thương lái, đại lý sẽ tăng lên vài giá”, ông Trọng nói.
Ông Trọng cho rằng, thông thường, từ tháng 12 đến 25/12 (âm lịch), nhu cầu thịt lợn cho chế biến tăng lên, nên giá tăng với mức bình quân 10-15% so với ngày thường. Tuy nhiên, chắc chắn giá thịt lợn sẽ không tăng quá đột biến như Tết năm trước.
Theo ông Trọng, trong quý 2/2020, giá lợn giống có thời điểm lên tới 2,5-3 triệu đồng/con. Rất nhiều người nuôi vào đàn trong giai đoạn này, nên giá thành lên tới 70 nghìn đồng/kg. “Như vậy, như giá lợn hơi bán hiện nay cũng đảm bảo ở mức hài hoà, giữa ở cả 3 khâu là giống, chăn nuôi và người tiêu dùng”, ông Trọng nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Được ví như loại cá “nhà giàu” nhưng thời gian gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19, loại cá này có giá rẻ chưa từng...