Cảnh báo loạt thiết bị điện tử bị “thổi phồng” công dụng điều trị Covid
Nhiều thiết bị điện tử được doanh nghệp giới thiệu có chức năng ngăn ngừa, diệt Covid-19 bị Bộ Công Thương tuýt còi vì chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện thực tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân, đã có nhiều sản phẩm dược phẩm hay thực phẩm ra đời giúp phòng ngừa, điều trị hay hỗ trợ Covid-19.
Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm điện tử mới được giới thiệu có chức năng liên quan đến ngăn ngừa, ức chế hoặc diệt Covid-19 hoặc được đặt tên liên quan đến chức năng này.
Để đảm bảo thông tin đến người tiêu dùng được rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn và mua phải các sản phẩm không đúng ý muốn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiến hành rà soát và thu thập, đánh giá một số thông tin về sản phẩm đồ điện gia dụng như điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng…
Trong đó có các sản phẩm như Máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ION của Công ty Cổ phần Appliancz Việt Nam; Sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ;
Máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam; Quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty TNHH Tích hợp công nghệ In Situ; Máy phun khử trùng, diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng.
Các nội dung thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus Covid-19 của các doanh nghiệp này chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế (Ảnh: MOIT).
Qua rà soát, đánh giá, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy nội dung thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus Covid-19 của các doanh nghiệp này chủ yếu căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm (chất liệu, diện tích, thể tích, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí bị kiểm soát và một số điều kiện đặc biệt khác), chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế.
Tuy nhiên, nội dung thông tin về các sản phẩm trên không nêu hoặc nêu không rõ ràng về các vấn đề hạn chế này, chẳng hạn như: Thông tin ghi chú không đầy đủ, không rõ ràng hoặc quá nhỏ không thể đọc được trên hình ảnh giới thiệu sản phẩm hoặc chạy quá nhanh không thể đọc kịp trên video clip giới thiệu sản phẩm;
Thông tin diệt, ức chế hay ngăn ngừa virus được đưa ra trên cơ sở kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong khi những điều kiện hạn chế của phòng thí nghiệm không được nêu rõ hoặc không tương xứng so với điều kiện sử dụng thực tế.
Hay sản phẩm không liên quan đến Covid-19 nhưng được đặt tên và thông tin về chức năng liên quan đến covid-19 như CV19, diệt virus (không nêu rõ có phải vius Covid-19 hay không)…
Kết quả công dụng chủ yếu căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm (Ảnh: MOIT).
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá việc đưa thông tin về tác dụng ngăn ngừa, ức chế và tiêu diệt virus Covid-19, Sars-Cov-2 của các sản phẩm như nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.
Cục đã cảnh báo và yêu cầu các đơn vị trên rà soát và chỉnh sửa các nội dung cung cấp thông tin về sản phẩm để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh 2018.
Đồng thời, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua các sản phẩm có công dụng liên quan đến chức năng ngăn ngừa hoặc diệt Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59 – 14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu...