Cảnh báo dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 bán tràn lan
Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngày 23-7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua, Cục ghi nhận phản ánh của người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm… của các dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 được bày bán tràn lan và công khai trên các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bộ xét nghiệm nhanh theo quy định hiện hành là trang thiết bị y tế. Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định các bộ xét nghiệm nhanh này có độ chính xác khá thấp.
Vì vậy, việc tự mua và sử dụng không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe mà kết quả âm tính giả (nếu có) sẽ khiến người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch.
Người tiêu dùng liên hệ tổng đài tư vấn để phản ánh nếu phát hiện bán bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu được xét nghiệm của người dân là chính đáng và sẽ tăng trong thời gian tới.
Để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý đó là kết quả xét nghiệm nhanh chỉ có giá trị tham khảo.
Xét nghiệm nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao, ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho chẳng hạn còn khi nồng độ virus thấp, xét nghiệm nhanh lại cho kết quả ít chính xác hơn.
Như vậy, người sau khi nhiễm (nếu có) từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng chỉ xét nghiệm khi cần thiết. Người tiêu dùng chỉ nên đi xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có tiếp xúc với những người có nguy cơ.
Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc cũng như gia tăng nguy cơ cho cộng đồng do gia tăng việc tiếp xúc.
Khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19, người tiêu dùng nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện xét nghiệm (nếu cần thiết).
Người tiêu dùng thực hiện tốt 5K và các hướng dẫn phòng dịch của các cơ quan quản lý nhà nước, không vì việc đã được tiêm phòng vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.
Trường hợp người tiêu dùng phát hiện các cá nhân, tổ chức rao bán các dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể phản ánh tới cơ quan nhà nước về y tế, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương hoặc liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838.
Ngay từ trước khi Covid-19 xuất hiện, những loại rau củ này đã nổi tiếng “chặt chém” vì quá đắt.
Nguồn: [Link nguồn]