Càng làm càng lỗ, nông dân "tháo chạy" khỏi cây tỷ đô cà phê
LTS: Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt thực trạng giá cà phê xuống thấp kéo dài, nông dân chặt bỏ vườn trồng cây khác. Làm sao để nâng cao chất lượng cà phê, từ đó nâng giá để nông dân không quay lưng với cây trồng từng một thời giúp họ làm giàu?
Bài 1: Bao giờ cà phê hết là “trái đắng”?
Hiện giá cà phê nhân xô chỉ còn trên 30.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, khiến nông dân phải chịu lỗ nhiều do các chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc thu hoạch… đều tăng cao.
Mắc nợ vì giá cà phê lao dốc
Với năng suất vượt trội từ 4-5 tấn/ha, nông dân xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) vẫn không mặn mà với cây cà phê. Ảnh: Duy Hậu
Ông Ma Lang (xã Ea Tul, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk) có hơn 1ha cà phê, năm nay thu được hơn 3 tấn cà phê nhân. Ông cho biết, ở thời điểm giá cà phê hơn 40.000 đồng/kg, với sản lượng tương tự, gia đình vẫn còn một chút lãi. Nhưng với giá như hiện nay, số tiền bán cà phê không đủ nuôi sống gia đình. Để có tiền tiếp tục chăm sóc cà phê, ông phải vay mượn từ các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Tại xã Ea Ngai, huyện Krông Buk (Đăk Lăk), ông Nguyễn Đình Nhàn cũng than thở, hạn hán triền miên, năng suất sụt giảm, giá bấp bênh nên nông dân trồng cà phê đang lâm cảnh lao đao. "Cà phê trẻ, năng suất cao thì nông dân còn có thể "lấy công làm lời", chứ những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém thì chắc chắn phải bù lỗ" - ông Nhàn nói.
Tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) - nơi năng suất cà phê luôn ở mức từ 4-5 tấn/ha nhưng nông dân cũng than ngắn thở dài. Ông Trần Minh Điệp (thôn Thanh Cao, xã) cho biết, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc mỗi ha cà phê hết khoảng 70 triệu đồng.
Nếu sản lượng đạt 5 tấn/ha, với giá như hiện tại (33 triệu đồng/tấn), nông dân thu còn dư hơn 80 triệu. Số tiền này trừ đi 70 triệu để đầu tư cho vụ tới, bà con chỉ còn hơn 10 triệu đồng. Thế nên dù với sản lượng cà phê cao nhất nhì cả nước, người trồng cà phê ở đây vẫn không thể giàu.
Mặc dù "không hài lòng" với cây cà phê nhưng ông Nguyễn Đình Nhàn (xã Ea Ngai, huyện Krông Buk, Đắk Lắk) vẫn không dám phá bỏ hết cà phê già cỗi để tái canh. Ảnh: Duy Hậu
Cũng theo ông Điệp, do muốn làm giàu nhanh, đã có không ít nông dân trẻ mượn sổ đỏ của anh em, họ hàng để cầm cố ngân hàng vay tiền mở rộng diện tích đầu tư. Tuy nhiên sau nhiều năm giá cà phê bấp bênh, liên tục giảm mạnh, họ lại lâm vào cảnh ôm một đống nợ. Để trả món nợ hàng trăm triệu đồng đã vay ngân hàng và chuộc lại sổ đỏ, họ lại đành phải vay tiền tiếp nơi khác, thậm chí vay nặng lãi để đi xuất khẩu lao động kiếm tiền gửi về trả nợ dần.
Nông dân giỏi cũng chán cà phê
Trong số nhiều nông dân mà chúng tôi gặp, khi hỏi về cây cà phê, họ đều lắc đầu ngao ngán: "Không biết trồng gì nên phải giữ cà phê để sống". Bởi dù sao thì có cà phê vẫn có cái để vay mượn, trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Ông Nguyễn Đình Nhàn nói, mặc dù vườn cà phê đã già cỗi nhưng ông không dám phá bỏ hết để tái canh. Vì làm như vậy thì cả gia đình sẽ đứt bữa. Thế nên, mỗi năm ông chỉ dám phá vài sào, nhưng thay vì trồng cà phê thuần như trước đây, ông trồng sầu riêng, bơ, tiêu… "Trồng như vậy để cây này mất mùa còn có cây khác đỡ" - ông Nhàn nói.
Niên vụ vụ 2018 - 2019, cà phê ở Đồng Nai được mùa nhưng mất giá. Ảnh: Hương Giang
"Bơ trái vụ, sầu riêng là những cây đang có giá trị kinh tế cao. Song những trái cây này không thể để được lâu. Nếu ai cũng trồng thì chắc chắn giá cả sẽ không được như bây giờ. Đến lúc đó, bán không được, ăn không hết mà trữ cũng không xong, nông dân chỉ có chết" - ông Trần Minh Phong - nông dân xã Ea Tân phân tích.
Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ngay cả những nông dân giỏi như ông Nguyễn Mạnh Huy, dù đã gần 30 năm gắn bó với cà phê song cũng đang tính chuyện rời bỏ loại cây tỷ đô này. Ông Huy kể, nhờ phương pháp ghép cải tạo, vườn cà phê đã tăng năng suất gấp đôi so với giống cũ. Năm nay, vườn của ông trúng mùa nhưng vẫn bị lỗ vì giá thấp.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, hiện toàn tỉnh chỉ còn trên 15.000ha cà phê, giảm hàng ngàn ha so với vài năm trước đó nhưng dấu hiệu giảm diện tích vẫn chưa dừng lại.
Ông Trần A Sách - nông dân tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) kể, chỉ hơn 10 năm, vùng đất này đã chuyển đổi ít nhất 3 loại cây trồng chủ lực. Đầu tiên là chuyên canh cây cà phê. Sau thấy giá tiêu cao, các hộ dân lại đua nhau trồng tiêu, và bây giờ nông dân lại đang chặt tiêu để trồng bưởi da xanh.
Có người thì quay lại trồng chính loại cây mà nhiều năm trước đó đã chặt bỏ. “Bản thân tôi cũng đang chặt tiêu, cà phê chuyển sang trồng bưởi, dù chưa biết thị trường vài năm tới sẽ ra sao”, ông Sách chia sẻ.
Ngay cả các đơn vị thực hiện mô hình cánh đồng lớn cây cà phê cũng không tránh khỏi lo ngại trong mục tiêu giữ diện tích vùng chuyên canh. Ông Trần Quang Hiệp - Giám đốc HTX nông nghiệp Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) kể từ khi triển khai dự án cánh đồng lớn cà phê 4C đến nay, ngày càng nhiều hộ dân tính chuyện chuyển đổi cây trồng. “Trồng cả năm trời, dù có trúng mùa, trúng giá, 1 ha cà phê cũng chỉ cho lợi nhuận vài chục triệu”, ông Hiệp nói.
Tôn vinh người trồng cà phê Hôm nay 9.3, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 sẽ chính thức khai mạc. Diễn ra đến ngày 16.3, lễ hội sẽ có 6 hoạt động chính, trong đó có các hoạt động quảng bá, tôn vinh như lễ hội đường phố; cuộc thi chất lượng cà phê đặc sản Việt Nam; đường sách cà phê; thưởng thức cà phê miễn phí, hội thi ẩm thực cà phê... Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê... A.T |