Cận Trung thu, đồ chơi trẻ em nhập lậu càng tung hoành
Hàng ngàn sản phẩm đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực và không hóa đơn, chứng từ được quản lý thị trường bắt giữ.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết vừa qua Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện xe ô tô tải vận chuyển 1.130 khẩu súng đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực trên tuyến đường quốc lộ 1A qua TP Đông Hà, Quảng Trị. Toàn bộ số hàng trên không có giấy tờ hợp lệ. Ước tính tổng số đơn hàng có giá trị gần 43 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Võ Tân Kiên khai nhận vừa là người điều khiển phương tiện, vừa là chủ nhân của lô hàng. Theo lời khai, hơn 1.000 khẩu súng trên được ông mua hàng trôi nổi tại Hà Nội, vận chuyển vào Nam để tiêu thụ.
Đội QLTT số 1 đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 40 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng cấm này.
QLTT tỉnh Quảng Trị thu giữ các mặt hàng đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực và không hóa đơn, chứng từ. Ảnh: Tổng cục QLTT.
Vào ngày 9-8, Đội QLTT số 4 - Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng thu giữ gần 2.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em không có hóa đơn, chứng từ, không có tem hợp quy với trị giá ước tính khoảng 25 triệu đồng. Trong đó, gần 200 sản phẩm đồ chơi trẻ em là hàng cấm (súng nhựa, kiếm nhựa) có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em.
Không chỉ tỉnh Quảng Trị, từ đầu tháng 8 tới nay, QLTT các tỉnh cũng thu giữ hàng ngàn sản phẩm đồ chơi trẻ em có xu hướng bạo lực hoặc không hóa đơn, chứng từ. Đơn cử ngày 8-8, QLTT số 9 - Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã thu giữ hơn 10.000 sản phẩm đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc.
Hay Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cũng thu giữ hàng trăm sản phẩm đồ chơi là súng nhựa, kiếm nhựa ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý trẻ em. Các sản phẩm này đều không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Trong tình hình mùa Trung thu đang đến gần, từ đầu tháng 8, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã có công văn yêu cầu các cục QLTT trên cả nước xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau tết Trung thu 2019.
Riêng đối với đồ chơi trẻ em, QLTT phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm việc kinh doanh đồ chơi độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác trong quản lý mặt hàng này. Trong quá trình kiểm tra, QLTT phải công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm để cảnh báo, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.
Kết quả kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu vừa được công bố.