Cẩn trọng với bánh trung thu 'online, handmade' giá rẻ
Dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, cửa hàng tạp hóa...,bánh trung thu đã được bày bán từ rất sớm. Tuy nhiên, chất lượng và điều kiện an toàn thực phẩm của loại bánh này lại không phải ai cũng nắm rõ.
Cẩn trọng với bánh trung thu giá rẻ
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ở thời điểm này, ngoài sự phủ sóng của các thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng thì mặt hàng bánh trung thu nhà làm cũng khá nhộn nhịp.
Chỉ cần gõ từ khóa "bánh trung thu" trên Facebook, ngay lập tức hiện ra hàng trăm tài khoản cá nhân và trang mạng bán bánh trung thu, với những lời quảng cáo hấp dẫn, đa dạng mức giá.
Ví dụ như tài khoản V.C trên Facebook chào mời: "Bánh trung thu nội địa ngon, vỏ ngoài bánh nướng siêu mềm, ở giữa là lớp mochi dai dẻo, trứng muối - chà bông bùi ngậy... có giá bán 65.000/bánh 500 gam". Nhưng khi PV mua thử một chiếc về thì trên bao bì sản phẩm lại không có tem nhãn phụ Tiếng Việt nên không biết một chút thông tin gì về sản phẩm.
Bánh trung thu được quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình.
Tại một cửa hàng bán bánh trung thu 'nhà làm' trên đường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) người bán hàng mời chào với mức giá 35.000 - 60.000 đồng/chiếc. Thắc mắc vì sao bao bì không có thông tin sản xuất, người bán giải thích rằng do tự mua nguyên liệu và tự làm.
Tương tự, tại tài khoản N.T, người này giới thiệu các loại bánh nướng nhân trứng muối, thập cẩm, gà xé được bán đồng giá 75.000 đồng/bánh, khách khi mua được tặng kèm theo hộp để tiện làm quà biếu. Nhưng khi được hỏi sản phẩm này có Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì chị T. cho biết vì tự mua nguyên liệu về làm nên không có.
Bánh Trung thu được quảng cáo là “bánh nhà làm”.
Nhằm đảm bảo an toàn mùa trung thu, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra một số lời khuyên về cách lựa chọn, bảo quản bánh trung thu an toàn như sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng. Về nhãn sản phẩm phải thể hiện rõ thông tin nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng,... Đồng thời phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.Hãy là người tiêu dùng thông minh
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay: nguyên nhân của tình trạng bánh trung thu kém chất lượng tràn lan trên thị trường là do người dân muốn mua sản phẩm giá rẻ, không quan tâm đến nguồn gốc dẫn đến bánh trung thu thủ công, không rõ xuất xứ được tiêu thụ, góp phần tăng cao nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Người dân chỉ nên mua các sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng.
Các nguyên liệu được nhập từ nước ngoài về khó kiểm soát hay các sản phẩm được nhập về chưa được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm định, nhiều đơn vị đã nhập lậu về, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Để quản lý chặt chẽ thị trường bánh trung thu, Tổng cục QLTT phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Đồng thời tuyên truyền đến người dân chỉ nên mua các sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc, chất lượng đã được kiểm định.
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng QLTT Hà Nội đã xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy gần 5.000 chiếc bánh trung thu nhập lậu với trị giá hàng hóa gần 50 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]