Cận Tết, coi chừng thực phẩm "ba không"

Bánh, kẹo, mứt tết “ba không”: không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng… trước được bán kiểu đổ đống thì nay, hầu hết đã được bao gói cẩn thận, cho vào từng ô riêng và được ghi tên bằng bút lông để người tiêu dùng (NTD) dễ lựa chọn.

Ngày 18/1, có mặt tại chợ Bình Tây (quận 6), chúng tôi hoa mắt bởi hàng trăm thứ bánh kẹo, mứt tết từ bánh bơ, bánh quy, kẹo dừa, sôcôla, mứt thơm, mứt bí, mứt gừng… đủ sắc màu bày la liệt ở các sạp hàng. Ghé vào sạp M.  chuyên bánh kẹo mứt nội - ngoại, nhân viên cầm chiếc đĩa có đủ các loại mứt, bánh chào mời dùng thử. “Chị thử mứt đi, tất cả đều là hàng trong nước được chế biến theo quy trình đảm bảo vệ sinh. Nơi đây, có cả mứt ngoại của Úc, Pháp, Mỹ… tất cả, hàng ở đây đều có giấy tờ nên chị cứ yên tâm”, nhân viên này quảng cáo. Tuy nhiên, khi yêu cầu các giấy tờ để xác minh nguồn gốc giúp khách hàng yên tâm thì nhân viên nơi đây nói “để quên ở nhà”.

Để cạnh tranh với các gian hàng khác, nhiều sạp hàng bánh kẹo ở khu chợ này còn tự đặt mẫu bao bì mang tên của mình, còn  “ruột” thì không rõ xuất xứ từ đâu. Tại sạp K., chúng tôi thấy nhiều nhân viên trút một bao mứt me không có nhãn mác ra một cái rổ, sau đó nhiều người không khẩu trang, dùng tay không bóc từng nhúm me cho vào tờ giấy bóng quấn hai đầu. Từng viên me được cho vào bịch một ký hoặc nửa ký với “khai sinh” mới: “Mứt me đặc biệt Khang” đồng thời gắn thêm dòng chữ “Chúc mừng năm mới” đỏ chót. Trà, nhân viên tại đây cho hay: “Chỉ cần có thêm lớp giấy bóng là sản phẩm “lên đời” thấy rõ. Giá cả cũng tăng từ 40.000 đồng - 45.000đồng/kg”.

Cận Tết, coi chừng thực phẩm "ba không" - 1

Thực phẩm "3 không" là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng.

Cần nhãn hiệu nào cũng có

Dạo một vòng quanh các sạp bánh mứt tết tại nhiều chợ như Nguyễn Tri Phương (quận 10), Bến Thành, Tân Định (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… hầu hết các loại bánh mứt tết đều được bao gói cẩn thận. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ các sản phẩm này thì ngoài dòng chữ tên của sạp hoặc đặc sản Đà Lạt, Bến Tre…tuyệt nhiên, NTD không tìm được bất kỳ một thông tin nào khác về các thành phần chế biến, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Bà Bảy - chủ một sạp hàng bánh kẹo ở chợ Hòa Hưng (quận 10) lý giải: “Hàng này chủ yếu là do nhà làm, ở quê gửi lên bán. Tuy không có nhãn mác nhưng đảm bảo chất lượng. Nếu cô muốn gắn nhãn hiệu nào tôi cũng đáp ứng”.

Tại góc ngã ba đường Lữ Gia - Nguyễn Thị Nhỏ (quận Tân Bình) mấy ngày qua thường xuất hiện những gánh hàng rong, xe đẩy chất đầy các loại mứt tết như mứt dừa, mứt bí, bánh khoai tây cọng, rau củ quả sấy khô… giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Chiều chiều, các loại mứt được mở tênh hênh mặc cho gió bụi, ruồi nhặng vào… dạo chơi.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai,  Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, đến hẹn lại lên, những dịp lễ, tết là cơ hội cho các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm trôi nổi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhãn mác… tràn lan thị trường. “Sở Y tế đã thành lập các đội kiểm tra liên ngành nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày tết cho NTD. Tuy nhiên, NTD thông minh cần “nói không” với hàng hóa giá rẻ, không rõ xuất xứ, trôi nổi, không tiếp tay tiêu thụ các mặt hàng này. Khi mua hàng mà thấy có nghi ngờ thì có thể yêu cầu người bán được xem giấy tờ để đối chứng. Đồng thời, báo ngay với ban quản lý chợ hoặc các cơ quan chức năng để khiếu nại. Tốt nhất chỉ nên mua hàng tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần... rõ ràng”, bà Mai khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN