Cần làm rõ khuất tất quanh chiếc siêu xe triệu đô
Xung quanh chiếc siêu xe trị giá hàng chục tỷ đồng với nhiều khuất tất mà Tiền Phong phản ánh, cần làm rõ trách nhiệm cơ quan hải quan và đăng kiểm. Có hay không sự thông đồng giữa 2 cơ quan này khiến ngân sách nhà nước thất thu?
Không thuộc diện miễn thuế
Làm việc với Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Toàn - Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng Khu vực 3 cho biết, trong thời gian tạm xuất, nếu hàng hóa thay thế phụ tùng, vật tư, DN phải kê khai, nộp đủ các loại thuế (với vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế). Sau khi có hợp đồng chi tiết của DN, Chi cục Hải quan cửa khẩu (cảng Hải Phòng Khu vực 3) tách phần nhân công sửa chữa để tính thuế VAT.
Theo các chuyên gia, chiếc Maybach 62S sau khi được cải tạo sẽ không thuộc diện miễn thuế khi tái nhập về nước.
Với lượng hàng hóa thay thế, sửa chữa được khai báo trị giá lên tới 10 tỷ đồng, ông Toàn cho biết, DN phải mở tới 18 tờ khai của gần 900 danh mục hàng. Tổng số thuế (chủ yếu là linh kiện), chủ nhân của siêu xe phải đóng là 2,46 tỷ đồng. Vậy còn nội thất, ngoại thất xe có những thay đổi thì sao? Về bản chất, khi tạm xuất, xe có “hình dáng model 2008” nhưng khi tái nhập lại biến thành “hình dáng model 2013”; trở thành chiếc Maybach 62S “siêu vip” độc nhất ở Việt Nam.
“Trong trường hợp chiếc xe Maybach 62S này, DN phải có giấy phép tạm xuất, tái nhập đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của Bộ Công Thương. Nhưng chiếc Maybach 62S khi tái nhập không có giấy phép. Mặt khác, chiếc xe này cũng sẽ không thuộc đối tượng miễn thuế”. Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Liên quan vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (tại điểm c khoản 9) quy định: Hàng hóa tạm nhập tái xuất phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản, không tạo ra hàng hóa khác. Trong trường hợp chiếc siêu xe được tạm xuất bảo dưỡng bình thường mà không tạo ra hàng hóa khác khi tái nhập sẽ được miễn thuế. Nếu kéo dài thời gian sửa chữa, thương nhân và đối tác có thể thỏa thuận sau đó đăng ký với hải quan.
Theo luật sư Hải, vấn đề nằm ở chỗ chiếc xe Maybach 62S đã được sửa chữa, thay thế một số bộ phận nội và ngoại thất, hình dáng, trở thành một loại hàng hóa khác so với trước khi tạm xuất. Do đó, đối chiếu theo quy định (Điều 42 Luật quản lý Ngoại thương và điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 69/2018), hàng hóa đã qua sử dụng quá 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu thì thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.
Luật sư Hải cho rằng, việc hải quan thông quan cho chiếc xe thuộc danh mục cấm nhập khẩu, và miễn thuế (hơn nửa tỷ đồng) không đúng đối tượng, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Đăng kiểm sai quy định, miễn thuế tùy tiện?
Một chuyên gia về đăng kiểm ô tô cho rằng, hiện nay quy định của Việt Nam mới chỉ cho phép đăng kiểm xe nhập khẩu mới, đăng ký lần đầu.
“Trường hợp này, chiếc xe đã thay đổi kết cấu nội ngoại thất, và nhiều loại phụ tùng nên sẽ không được phép nhập khẩu, lưu hành. Do đó, cần làm rõ cơ sở và trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm khi kiểm định và đăng ký cho chiếc xe này”, vị này cho hay.
Một lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, về nguyên tắc, DN tạm xuất - tái nhập để sửa chữa xe phải đưa về trong trạng thái bình thường. Trong trường hợp, DN đưa ra nước ngoài để độ chế thành phiên bản khác cần phải khai báo và nộp bổ sung thuế phần chênh lệch.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, trường hợp này, DN và hải quan phải làm thủ tục thông báo với cơ quan đăng kiểm vì chiếc xe trở về đã thành phiên bản khác. Nếu DN không làm thủ tục này và đơn vị đăng kiểm đưa vào kiểm định bình thường là sai quy định.
“Trường hợp đơn vị kiểm định không phát hiện ra sự thay đổi và để xe lưu hành như báo chí đưa cũng phải chịu trách nhiệm. Cục đang vào cuộc kiểm tra thông tin Tiền Phong phản ánh. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ phản hồi báo”, vị lãnh đạo Cục Đăng kiểm nói.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trị giá khai báo chiếc Maybach 62S lúc làm thủ tục là 50.000 USD, tương đương 1,13 tỷ đồng (trên thị trường chiếc xe có giá không dưới 1,3 triệu USD, khoảng 30 tỷ đồng). Điều đáng nói, khi chiếc xe tái nhập dù đã được lắp thêm các thiết bị, phụ tùng có giá 10 tỷ đồng nhưng Cty Cổ phần Tập đoàn IDT vẫn chỉ khai báo là 50.000 Eur (khoảng 1,17 tỷ đồng). Do đó, với mức thuế suất 45% được hải quan miễn, số tiền công ty được miễn nhìn bề ngoài rất nhỏ, tương ứng chỉ 526 triệu đồng. Hiện, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan TP Hải Phòng báo cáo, làm rõ vụ việc.
Thời gian gần đây, cục hải quan các tỉnh trên toàn quốc liên tục phát thông báo tìm chủ nhân của những chiếc xe hạng sang. Dù có giá trị từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng,...
Nguồn: [Link nguồn]