Cận kề tháng “cô hồn”, thị trường ô tô nội có được “kích hoạt”?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khi thị trường đang chững lại thì tháng 7 âm lịch đã cận kề. Khi chính sách giảm lệ phí trước bạ chưa có thông tin, nhiều người cho hay sẽ tạm gác kế hoạch mua xe... Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô vẫn hy vọng chính sách ưu đãi sớm được “kích hoạt”.

Khách hàng “nín thở” chờ ưu đãi

Anh Lê Hoàng Trung, Đông Anh, Hà Nội cho biết, anh có nhu cầu mua chiếc Ford Territory, bản cao cấp nhất, giá niêm yết là 929 triệu đồng. Nếu lệ phí trước bạ giảm 50%, anh sẽ tiết kiệm được khoản tiền hơn 60 triệu đồng. Vì vậy, khi chưa có chính sách giảm phí trước bạ, anh Trung quyết định chờ đợi, chưa mua vội.

Tương tự, anh Tuấn - một khách hàng khác cũng đang có nhu cầu mua chiếc Hyundai Santa Fe máy dầu, nhưng quyết định “hoãn”, chờ thời điểm khác khi có chính sách ưu đãi tốt hơn mới xuống tiền.

“Mẫu xe Hyundai Santa Fe máy dầu hiện giá niêm yết là 1,219 tỷ đồng. Nếu lệ phí trước bạ giảm 50%, tương đương tiết kiệm được khoản tiền hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, nay đã bước sang tháng 8 nhưng vẫn chưa có thông tin giảm thuế trước bạ trong khi chuẩn bị tới tháng “cô hồn”, nên tôi quyết định hoãn mua xe thời điểm này”, anh Tuấn nói.

Nhiều khách hàng "hoãn" kế hoạch mua xe, tiếp tục chờ ưu đãi tốt hơn

Nhiều khách hàng "hoãn" kế hoạch mua xe, tiếp tục chờ ưu đãi tốt hơn

Theo các đại lý ô tô, nhiều khách hàng chần chừ cả tháng nay không mua xe sản xuất lắp ráp trong nước, để chờ đợi lệ phí trước bạ giảm. “Chúng tôi chờ khách hàng, còn khách hàng lại chờ chính sách, không biết đến bao giờ” – anh Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Kinh doanh tại một đại lý ô tô quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay.

Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng mua ô tô dưới 10 chỗ, sử dụng xăng dầu, sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ 15 - 300 triệu đồng, tùy từng mẫu xe. Với một số dòng xe giá rẻ, việc giảm bớt vài chục triệu đồng không phải quá lớn. Nhưng với dòng xe tiền tỷ, con số này lên tới cả trăm triệu đồng sẽ khiến khách hàng chờ đợi.

Sở dĩ người tiêu dùng “thấp thỏm” trước chính sách giảm thuế trước bạ lần này hơn so với những lần trước là bởi cách đây chưa lâu, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.

Tuy nhiên, đã bước sang tháng 8, việc có chính sách giảm thuế trước bạ hay không vẫn là một “ẩn số”.

Doanh số “cảnh chợ chiều”

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, có khoảng 172.200 ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước được xuất xưởng. Trong khi đó, doanh số bán chỉ đạt khoảng 140.000 xe, dư thừa lượng lớn.

Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 134.884 ô tô các loại từ đầu năm, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó bao gồm 67.849 (50,3%) xe lắp ráp cùng với 67.035 (49,7%) xe nhập khẩu. Mặc dù doanh số ô tô có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5 và tháng 6, nhưng con số chung của nửa đầu năm 2024 vẫn thấp.

Tại các showroom ô tô, đại diện các doanh nghiệp cho biết, thị trường gần như chững lại trong hai tháng qua vì nhiều khách hàng chờ đợi chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước chính thức được ban hành mới ký hợp đồng mua xe. Vì vậy, nhu cầu thấp, chỉ những xe nhập khẩu được khuyến mãi lớn mới có khách mua, còn xe sản xuất lắp ráp trong nước bán rất chậm. Nếu không được giảm lệ phí trước bạ, xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Thực tế, rất nhiều người tiêu dùng đã “đón sóng” để hưởng ưu đãi kép và tìm mua xe từ khoảng thời gian tháng 6/2024, nhưng sau đó đã buộc phải đi làm thủ tục lấy xe luôn vì chính sách không đúng như dự đoán dẫn đến “thiệt nhiều hơn được”.

Trong khi đó, một phần tiếp tục chờ đợi “hạn chót” là ngày 1/8 để cân đối tài chính và “căn giờ G” để xuống tiền mua xe. Tuy nhiên, đến hết 30/7, chính sách vẫn là một dấu hỏi, dẫn đến tình cảnh thị trường ô tô Việt đang rơi vào thời điểm ảm đạm chưa từng có.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, thời điểm có chính sách hay không vẫn chưa được chốt, khách hàng có tâm lý chờ đợi, dẫn đến sức tiêu thụ bị chùng xuống, lượng xe tồn kho tăng lên, dòng tiền của hãng cũng như khách hàng cũng đóng băng. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tâm lý toàn thị trường cũng như kế hoạch sản xuất của các hãng xe lắp ráp trong nước.

Trước tình cảnh hiện tại của thị trường xe Việt, nhiều chuyên gia cho rằng việc lo ngại vi phạm các quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có thể xem xét giảm mức lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước tương đương với các nước trong khu vực để tránh xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, cũng cần tìm cách để xử lý mềm mại thay vì tuân thủ cứng nhắc các cam kết quốc tế.

Cùng với những chương trình giảm giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng của các hãng xe và đại lý, nhu cầu mua ô tô mới của người dân cũng ghi nhận tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN