Cần đưa vật tư y tế vào danh mục bình ổn giá!

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đây là ý kiến của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, góp ý cho việc sửa đổi Luật Giá.

Bộ Tài chính thông báo lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành.

Nên duy trì cơ chế bình ổn giá xăng

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thời gian qua nền kinh tế có nhiều thay đổi và do đó có mặt hàng phải đưa vào danh mục bình ổn giá, có mặt hàng tới nay không còn cần bình ổn nữa.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

“Điều này cần phải được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Nói về giá xăng dầu và công tác điều hành giá xăng dầu có sử dụng công cụ là Quỹ bình ổn giá thời gian qua, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua rõ ràng đã đi vào ổn định. Thời gian qua giá xăng dầu thế giới tăng buộc chúng ta phải điều chỉnh. Nhưng nếu không có Quỹ bình ổn thì giá xăng dầu trong nước sẽ rất cao. Tôi thấy vẫn nên tiếp tục duy trì cơ chế bình ổn này”.

Cần bình ổn giá với vật tư y tế

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, mặt hàng cần bổ sung vào danh mục bình ổn giá là vật tư y tế: “Một số mặt hàng vật tư, thiết bị y tế nhất là các vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống các đợt dịch bệnh lớn cần được xem xét đưa vào bình ổn cho phù hợp với thực tế”.

Bởi thời gian qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trước yêu cầu phải test Covid-19 trên diện rộng khiến giá kit test tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.

Báo Giao thông cũng đã phản ánh về đề xuất, kiến nghị của hàng loạt Hiệp hội doanh nghiệp về việc bình ổn giá đối với kit test Covid-19 để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đưa một mặt hàng vào danh mục được bình ổn giá được quy định trong Luật Giá phải theo quy trình về sửa luật và phải được Quốc hội thông qua.

Do đó, để không còn tình trạng khi cần không được bình ổn như đối với trường hợp kit test Covid-19 thời gian qua, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất khi xây dựng dự thảo Luật Giá sửa đổi Ban soạn thảo phải bổ sung quy định về tình huống khẩn cấp, tuỳ theo cấp độ của thiên tai, dịch bệnh… để phân cấp điều hành, quyết định về giá hàng hoá.

“Ví dụ như khi có biến động lớn như lũ lụt... xảy ra trên quy mô lớn, tác động tới giá cả một số mặt hàng phục vụ đời sống dân sinh thì lúc đó Chính phủ có thể đưa những mặt hàng đó vào diện bình ổn. Bởi trong các trường hợp khẩn cấp, luật cho phép Chính phủ đưa mặt hàng đó vào diện quản lý giá, bình ổn giá”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Nên bình ổn giá sách giáo khoa phổ cập giáo dục

Lấy một ví dụ khác là sách giáo khoa, PGS. TS Thịnh cho biết, giá sách giao khoa tăng đã khiến dư luận bức xúc và được nhiều đại biểu chất vấn trong kỳ họp Quốc hội mấy ngày vừa qua.

Ông Thịnh cho rằng, đây là mặt hàng phục vụ phổ cập giáo dục toàn dân nên cần có cơ chế điều hành về giá để hỗ trợ chính sách phổ cập giáo dục.

Nếu lấy lý do in giấy đẹp, in khổ lớn để tăng giá sách giáo khoa thì theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khi đưa sách giáo khoa vào danh mục bình ổn giá cũng cần có cơ chế kiểm soát, giám sát giá đầu vào của mặt hàng này.

“Về kiểm soát tài chính thì không khó. Nếu đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng kiểm soát, bình ổn giá thì khi đó sẽ có cơ chế quy định về giá đầu vào. Ví dụ, sách giáo khoa phổ thông đó sẽ có tiêu chuẩn về loại giấy in, loại mực in, độ dày mỏng, dai bền, kích cỡ giấy… hay thậm chí có cả chi phí in ấn, lãi định mức...”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính, dự thảo Luật Giá sửa đổi sẽ quy định Chính phủ và Thủ tướng sẽ chỉ quyết định giá đối với số ít hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng. Cụ thể, Thủ tướng chỉ quyết định đối với khung giá đất. Trường hợp Luật đất đai sửa đổi bỏ các quy định về khung giá đất thì tại Luật giá sẽ được cập nhật tương ứng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, theo cơ chế phân cấp, Luật sẽ giao thẩm quyền định giá cụ thể cho các bộ.

Một điểm đáng chú ý khác là Bộ Tài chính nêu trong tờ trình là đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn, trong đó đặc biệt với quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi việc xem xét bỏ quỹ bình ổn giá là cơ sở để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp, lập đỉnh mới kể từ 15h ngày 13/6

15h ngày 13/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo C.Sơn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN