Cận cảnh giun biển nhiều nhung nhúc, dân đào mỏi tay thu tiền triệu
Trong cả trăm nghề mưu sinh trên biển ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh), nghề đào sá sùng vẫn thu hút nhiều lao động nhất. Dọc các bãi triều, người đi đào sá sùng (giun biển) đông như đi trẩy hội. Không chỉ là công việc mưu sinh, mà nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ sản vật quý giá từ biển này.
Ngay từ tờ mờ sáng, bãi biển xã Quảng Minh, huyện Hải Hà đã thấy lấm chấm những bóng người.
Từ các xã dọc Quốc lộ 18, người đào sá sùng đi bằng xe máy ra tận bờ biển rồi dựng xe một chỗ
Nhìn khắp các bãi triều cạn, nơi nào cũng thấy những dáng liêu xiêu, chốc chốc lại nghiêng người, khuỵu gối xiên mai (dụng cụ đào sá sùng) xuống cát.
Bà Lê Thị Dung (thôn 3, xã Quảng Minh, Hải Hà), một người đào sá sùng chuyên nghiệp hơn 20 năm, cho biết: “Người đào giun trắng (sá sùng – PV) ở Hải Hà bây giờ nhiều hơn bao giờ hết. Bà con cũng nhờ nghề này mà nhiều hộ xây nhà to, mua sắm đầy đủ vật dụng. Ngay như ở Quảng Thịnh, một xã có đông người dân tộc Dao, trước đây toàn là hộ nghèo, nay cũng trở nên khá giả”.
Nghề đào sá sùng cứ tính theo con nước. Nước lên thì ở nhà, nước rút là lục tục kéo nhau ra bãi, bất kể ngày hay đêm. Vào những tuần nước rút ban đêm, cả bãi biển loang loáng những ánh đèn. Đồ nghề của người đào sá sùng lúc đó có thêm dụng cụ là chiếc đèn pin buộc trên đầu, còn làm ban ngày thì chỉ cần 1 chiếc mai và 1 cái giỏ buộc sau lưng.
Học đào sá sùng không đơn giản. Theo anh Tô Duy Đà (thôn 4, xã Quảng Minh) thì người học nhanh cũng phải mất 1 con nước (nửa tháng).Tổ sá sùng là một mô cát nhỏ bằng nắm tay, dưới cái mô đó là hình hoa cát như hình chân chó. Người đào lấy thuổng xiên từ cái hoa đó đến chỗ mô cát rồi hất lên.
Con sá sùng nằm bên dưới lớp cát dày phải với tay rút nó lên, hoặc là thấy nó bị hất trơ ra trên bãi
Người đi đào sá sùng phải có tính kiên trì và sức khỏe tốt. Bà Nguyễn Thị Gái (thôn 3, xã Quảng Thịnh) bộc bạch: “Nếu chỉ đào chơi về cải thiện bữa ăn thì không mấy khó, nhưng đã xác định đó là nghề kiếm cơm rồi thì thấy cực lắm chú ơi. Nước rút ban đêm thì lọ mọ ngoài bãi từ 11 giờ (đêm) cho tới sáng. Làm ngày thì nắng gió rát người, có hôm 11-12 giờ trưa mới có bãi để làm, tối về nhà bải hoải tay chân, cơm chẳng muốn ăn nữa”.
Vất vả, nhưng với những người chịu khó như vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường, chị Phạm Thị Thoa (thôn 2, xã Quảng Minh) thì nghề đào sá sùng luôn cho thu nhập ổn định.
Với giá bán như hiện tại từ 150.000 đến 180.000/kg, mỗi ngày vợ chồng anh Trường đào được khoảng 10 đến 15kg, thu cả triệu đồng.
Ngoài những người trực tiếp đào sá sùng, thì nghề thu mua, xuất bán sá sùng cũng khiến nhiều hộ ở Hải Hà giàu lên nhanh chóng. Người thu mua ra tận bãi, rồi gom về các đầu mối lớn hơn
Sá sùng được bán đi khắp nơi, từ trong nước đến ra các nước Âu, Mỹ, nhưng nhiều nhất vẫn là xuất bán sang Trung Quốc.
Nghề đào sá sùng có từ nhiều đời xa xưa đến nay vẫn tồn tại, là nguồn sống của biết bao ngư dân quanh năm bám biển ở Hải Hà.