Cận cảnh các loại thực phẩm chức năng giả giống hàng thật y đúc, mắt thường không dễ nhận biết
Từ ngày 6 - 11/3, Phòng trưng bày Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường của Tổng cục Quản lý thị trường đang bày biện thực phẩm dành cho bà bầu, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm... Trong đó, sản phẩm thật - giả được làm hết sức tinh vi, bằng mắt thường rất khó nhận diện.
Phòng trưng bày Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường đang trưng bày khoảng hơn 30 chủng loại hàng hoá, với hơn 500 sản phẩm vi phạm chủ yếu là thực phẩm chức năng, dầu gội, sữa tắm, sản phẩm giảm cân, sản phẩm dành cho bà bầu...
Ngày 6/3, trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hóa - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ.
Tuy nhiên đây lại là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam và được bán sôi động trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội...
Chùm ảnh nhận diện các sản phẩm TPCN thật - giả:
Cận cảnh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe elevit dành riêng cho bà bầu thật (trái) và giả (phải). Bà Nguyễn Minh Phương - Chánh văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, điểm nhận biết thứ nhất với sản phẩm elevit là trên nhãn sản phẩm thật chỉ có 1 hình mẹ bầu với màu hồng nhẹ nhưng với sản phẩm giả bên trái lại có đến 4 hình người và màu sắc đậm.
Điểm nhận biết thứ 2 là sản phẩm thật có hình thức đóng theo vỉ, còn sản phẩm giả đóng lọ thủy tinh màu nâu trong.
Điểm nhận biết thứ 3, trên bảng thành phần cấu tạo các vi chất, sản phẩm thật được trình bày gọn gàng bằng 2 bảng thành phần rõ rệt, kèm phía dưới là các thành phần khác và công dụng, đối tượng bổ sung... trong khi đó, sản phẩm giả bên phải lại có bảng thành phần phủ kín mặt bao bì.
Trong khi công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng được nhà sản xuất elevit trình bày cùng bảng thành phần với kích thước chữ nhỏ, thì sản phẩm giả (phải) lại dành riêng một mặt bao bì để trình bày với kích thước chữ lớn hơn. Mã số, mã vạch cũng có vị trí trên nhãn khác nhau. Theo bà Phương, hãng elevit chỉ sản xuất sản phẩm duy nhất có quy cách đóng dạng vỉ và khuyến cáo các sản phẩm giống/tương tự là hàng giả.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Berocca và hàng nhái (dưới) có tên nhãn là Beerocac +. Nếu không đặt song song hai sản phẩm này, chắc chắn không ít người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn từ thương hiệu đến nhãn hiệu.
Tuy nhiên, nếu quan sát tỉ mẩn sẽ thấy màu sắc vỏ hộp sản phẩm thật - giả cho màu nhạt - đậm. Nhãn sản phẩm thật có dòng chữ "thực phẩm bảo vệ sức khỏe" đặt ở góc trên phải thương hiệu.
Ngoài ra, một số thông tin ghi trên nhãn hai sản phẩm thật - giả cũng không giống nhau.
Với sản phẩm viên sủi an thần này cũng tương tự. Nhãn sản phẩm thật (phải) và giả (bên trái) giống nhau từ hình ảnh, đến định dạng chữ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, màu sắc hộp sản phẩm thật sẽ tinh tế, đậm và chữ sắc nét hơn sản phẩm giả.
Thông tin mặt sản phẩm với mã số, mã vạch, số đăng ký sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở, cũng như đơn vị sản phẩm, phân phối... đều như được "đúc từ một khuôn".
Các thông tin ở mặt cạnh hộp sản phẩm cũng được trình bày giống nhau. Bằng mắt thường, rất khó để nhận diện đâu là hàng thật - giả.
Đây là những viên nang chuyên dùng để điều chế TPCN vừa được lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện, thu giữ vào ngày 23/2/2023, tại một căn hộ chung cư cao cấp ở quận Hoàng Mai.
Bà Nguyễn Minh Phương - Chánh văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, những viên nang này được các đối tượng điều chế thành các sản phẩm giảm cân dạng uống với nhân bên trong là bột mỳ.
Theo bà Phương, khi có khách đặt hàng, các đối tượng điều chế thủ công, đưa bột mỳ vào bên trong viên con nhộng này trước khi đưa đến tay người dùng.
Bà Phương cũng khuyến cáo, hàng hóa vi phạm ngày càng được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện. Các sản phẩm vi phạm, giả trông không khác gì hàng thật. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử.
Tương tự, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo, riêng đối với các sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng, viên uống..., người tiêu dùng cần mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội...
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng chức năng Lạng Sơn vừa phát hiện kho hàng chứa gần 100.000 sản phẩm hàng điện tử có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu trị giá hàng hóa ước tính trên 3...