Cam tiến vua xứ Bắc cho quả ngọt trên cao nguyên
Cam Canh vốn nổi tiếng ở đất Bắc. Tuy mới được di thực lên cao nguyên Lâm Đồng mấy năm gần đây nhưng loại quả tiến vua này nhanh chóng thích nghi với vùng đất đỏ bazan màu mỡ và chín rộ đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên rất được ưa chuộng.
Nghe nhiều người tấm tắc khen “cam Canh, bưởi Diễn”, anh Trần Mạnh Chiến (32 tuổi) về quê Hưng Yên mua 1.500 cây cam Canh vào trồng xen trong 1,5 ha cà phê tại thôn Nhân Hòa, Đan Phượng, Lâm Hà, Lâm Đồng. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch rộ. Sinh trưởng ở vùng đất mới nhưng cam Canh vẫn giữ được hương vị đặc trưng: ngọt, thanh mát và thơm dìu dịu.
Vườn cam Canh của anh Chiến chín rộ dịp Tết Nguyên đán.
Ban đầu cây chỉ cho thu hoạch vào tháng 11, 12 âm lịch nên giá trị vườn cam mang lại chưa cao. Anh Chiến đã can thiệp kỹ thuật để cam Canh cho quả quanh năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại Lâm Đồng mà còn được bán rất chạy ở TPHCM. Thấy sức mua lớn, anh Chiến mạnh dạn chặt bỏ cây cà phê, mở rộng diện tích cam lên 3,5 ha và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện đã có 1.000 cây ra quả với sản lượng bình quân 30 kg/cây, 25 tấn/ha, giá bán trên 55.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Phú Tuấn cũng đã trồng thành công cây cam Canh trong vùng rừng núi Bidoup (thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, Lạc Dương, Lâm Đồng). Bên cạnh việc thu hoạch quả, ông còn tạo dáng cho loài cây này làm cây kiểng trưng Tết với giá từ 1 - 2 triệu đồng/cây. Quả đẹp, ngon, lại sai lúc lỉu tượng trưng cho sự may mắn, đại cát, đại lợi nên rất hút hàng.