Cam ngọt đất Mường Thải sai trĩu, thương lái chen chúc đến đặt mua
Những ngày này, bà con nông dân trồng cam trên đất Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang vào vụ thu hoạch. Không giống cảnh buồn tẻ, đìu hiu như mấy năm trước vì phải lo đầu ra, năm nay cam ở đây không chỉ được mùa mà cánh thương lái còn chen chúc nhau đến đặt mua liên tục.
Khắp nơi tất bật thu hoạch cam
Đến bản Vân Yên, xã Mường Thải tận mắt ngắm nhìn những chùm cam đường sai trĩu quả mới cảm được niềm vui của người trồng cam. Vào mùa cam, để tìm gặp ai đó tại nhà thật khó, bởi mọi người đều đã lên nương, vườn để thu hoạch cam. Không khí thu hoạch cam ngoài các nương, vườn tấp nập khác hẳn với sự vắng vẻ tại nhà.
Người dân Mường Thải đang tất bật thu hoạch cam. Ảnh: Quốc Định
Xã Mường Thải hiện có 100 ha cam, tập trung chủ yếu ở bản Vân Yên, bản có 74 hộ thì 100% hộ đều trồng cam. Vài năm trở lại đây, cây cam đã trở thành cây trồng chính được bà con nhân rộng, trong đó nhiều hộ thu hoạch từ 70 - 80 tấn/vụ. Hiện giá cam bán tại vườn cho các thương lái dao động từ 25.000 đồng – 35.000 đồng/kg. Nhờ được mùa, được giá mà chỉ mới đầu vụ thu hoạch, đã có hộ thu về tiền tỷ.
Bà con cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ cam năm nay được mùa, có những cây cam cho trên 1 tạ quả/1 cây. Cam Mường Thải có đặc trưng quả to đều, ngọt đậm, vỏ mỏng nên được nhiều người tiêu dùng ở các vùng miền ưa chuộng.
Những vườn cam sai trĩu quả ở Mường Thải. Ảnh: Q.Đ
Vừa hái cam vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Hoàn, bản Văn Yên cười nói: Từ khi trồng cam thay cây ngô, năm nào gia đình tôi cũng có tiền tiêu đều đều. Hiện nay gia đình tôi có 1ha, với 700 cây cam, với giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg như hiện nay, tính sơ sơ tôi cũng thu được vài trăm triệu đồng.
Còn bà Đào Thị Nghĩa cùng bản cho hay: Trước đây chỉ biết trồng cây ngô chứ chưa nghĩ là trồng cam lại cho hiệu kinh tế cao gấp nhiều lần thế này. Năm nay, ước tính 1ha cam của gia đình cho thu nhập trên 300 triệu.
Cây trồng hiệu quả
Trước đây, người dân ở Mường Thải từng trồng các giống cam địa phương và cây cam cũng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Nhưng một phần do thiếu kỹ thuật chăm sóc, ít đầu tư nên năng suất chất lượng không cao, còn một phần do thị trường tiêu thụ không ổn định nên trồng được một thời gian, bà con đã chặt phá đi.
Từ khi cải tạo giống cam địa phương và đưa những giống cam mới như cam đường Canh, cam Vinh, quýt… vào trồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Những giống cam mới này không chỉ quả to, đẹp, vị ngọt đậm, vỏ mỏng mà còn được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Mường Thải.
Năm nay, người dân Mường Thải rất phấn khởi vì cam đường Canh được mùa.
Để cây cam phát triển bền vững, nhiều hộ trồng cam đã liên kết thành lập các hợp tác xã cam, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tiêu chí “hoa quả sạch”. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cam, đưa cây cam thực sự trở thành cây trồng bền vững trên đất Mường Thải.
Những cành cam đường Canh sai chi chít quả. Ảnh: Q.Đ
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đinh Xuân Quy, Chủ tịch UBND xã Mường Thải cho biết: Vài năm trở lại đây, cây cam đã thực sự trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao bà con, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ trồng cam. Bởi vậy, xã đang vận động người dân chuyển đổi những diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cam, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.