Cấm cửa cơ sở giết mổ thủ công, đưa thịt sạch ra thị trường

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

TP Hồ Chí Minh mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo, tương đương 800 tấn thịt. Từ ngày 1/4, Thành phố có chủ trương đóng tất cả các cơ sở giết mổ thủ công, đưa nhà máy giết mổ công nghiệp vào hoạt động với mục đích đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm ( ATVSTP).

Đến nay, Thành phố có 5 nhà máy giết mổ gia súc tập trung, theo hướng công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Thạnh. Tổng lượng giết mổ bình quân 5.200 - 6.000 con/ ngày, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung cho thị trường Thành phố, 40% còn lại từ các tỉnh đưa về Thành phố tiêu thụ. Như vậy, chất lượng sản phẩm và ATVSTP của thị phần thịt heo từ các tỉnh đổ về vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến các nhà máy giết mổ công nghiệp cung ứng thịt sạch cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, xây dựng được 34 chuỗi cung ứng thịt heo đảm bảo chất lượng, ATVSTP cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh. 34 chuỗi cung ứng này đã cung cấp gần 1.500 con heo cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Số lượng còn lại chưa được kiểm soát trước khi đưa vào cung ứng cho thị trường Thành phố, ngành nông nghiệp tiếp tục làm việc với các tỉnh thành để xây dựng chuỗi cung ứng.

Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo Cục chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cửa ngõ ra vào Thành phố để phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về Thành phố không đúng quy định. Tăng cường kiểm tra việc giết mổ trái phép ở khu vực giáp ranh các tỉnh, khu vực có cơ sở giết mổ thủ công sau khi hết thời gian gia hạn hoạt động. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh tồn dư kháng sinh, chất cấm nhóm beta-agonist..., cũng được thực hiện thường xuyên, nhằm đảm bảo an toàn đối với nguồn sản phẩm động vật cung cấp cho thị trường trên địa bàn Thành phố, nhất là nguồn giết mổ từ các tỉnh đưa về.

Mới đây Sở Công Thương, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã ký kết Hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sàn giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, việc xây dựng sàn giao dịch hướng đến lợi ích hài hoà của các bên. Người chăn nuôi thì được tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng và được định hướng sản xuất phù hợp thị trường. Còn thương nhân kinh doanh thì được cung cấp công cụ giao dịch mua - bán theo phương thức hiện đại, hiệu quả, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, sẽ sử dụng được sản phẩm có kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ATVSTP, đúng giá trị sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), việc thành lập sàn giao dịch thịt heo là hướng đi đúng và TP Hồ Chí Minh có đủ điều kiện cơ bản để triển khai sàn giao dịch này. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của tất cả các ngành có liên quan. Hiện nay, hoạt động chăn nuôi do ngành nông nghiệp quản lý, khâu phân phối tiêu dùng thì ngành công thương quản lý; Khâu VSATTP thì có Ban ATTP quản lý... Như vậy cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan này, để sàn giao dịch thịt heo tránh đi vào vết xe đổ của các sàn giao dịch hàng hóa trước đây.

Nguồn: [Link nguồn]

7 tháng, Việt Nam chi hơn 723 triệu USD nhập khẩu thịt

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, trong bảy tháng Việt Nam xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt thu về 57,51 triệu USD

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN