Cam Cao Phong còn 20.000 đ/kg, sắp "vỡ trận" vì diện tích tăng cao

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau 4 vụ liên tiếp được mùa, được giá, những người trồng cam ở Cao Phong (Hòa Bình) đã trúng lớn. Năm nay, nhiều vườn cam có bị thiệt hại nặng do mưa lũ, nhưng sản lượng cam không ngừng tăng. Giá cam đã quay đầu giảm, việc tiêu thụ cam chậm hơn so với mọi năm.

Dọc quốc lộ 6 chạy qua thị trấn Cao Phong những cửa hàng cam ken dầy. Cam lòng vàng, cam canh, quýt Hà Giang vàng rực được bầy lên khay vô cùng bắt mắt. 

Giống cam lòng vàng (CS1) cho thu hoạch sớm nhất trong các giống cam trồng ở Cao Phong như xã Đoài, V2, cam Mát. Đây cũng là giống cam ngon đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng. Trái với vẻ hồ hởi mọi năm, niên vụ này, cam bán chậm hơn và giá xuống hơn so với mọi năm.

Cam Cao Phong còn 20.000 đ/kg, sắp "vỡ trận" vì diện tích tăng cao - 1

Khoảng 3 năm nữa, toàn bộ diện tích gần 3000 ha cam, quýt của huyện Cao Phong sẽ cho thu hoạch. Khi đó sản lượng cam sẽ chất thành núi. 

Anh Bùi Văn Khánh, ở thị trấn Cao Phong chia sẻ, khách đến vườn cắt không giảm, nhưng giá lại xuống đôi chút. Cuối năm ngoái, giá cam lòng vàng cắt tại vườn là 28-30.000 đ/kg, hiện nay cam xuống giá còn 20.000 đ/1kg. 

So với thị trường tiêu thụ cam truyền thống ở miền Bắc, năm nay, nhiều đơn vị khác ở miền Nam cũng đã cất công đưa cam Cao Phong vô Sài Gòn. Sản phẩm cam nổi tiếng này cũng được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chủ vườn, kể cả vườn đã được cấp chứng chỉ Vietgap, năm nay cam tiêu thụ chậm hơn so với năm. Nguyên nhân đưa ra là nhiều diện tích cam trồng cách đây 4-5 năm đã cho thu hoạch. Cả sản lượng và diện tích cam trên địa bàn huyện Cao Phong đều tăng gấp 2-3 lần so với 5 năm trước. 

Cam Cao Phong còn 20.000 đ/kg, sắp "vỡ trận" vì diện tích tăng cao - 2

Cây cam đã mang lại cho người dân nơi cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, khi diện tích cam tăng trưởng quá nhanh, nỗi lo được mùa nhưng khó bán sản phẩm sẽ đến trong thời gian tới. 

Theo thống kê của UBND huyện Cao Phong, tổng diện tích cây có múi của toàn huyện là trên 2.800ha, trong đó riêng cây cam chiếm 1.652ha. Ước tính tổng sản lượng là 33.000 tấn quả. Diện tích và sản lượng cùng tăng, nhưng hơn 5.000 hộ dân tham gia trồng cam, quýt đến giờ vẫn tự lo đầu ra. Rất ít chủ trang trại kí kết được với đơn vị thu mua. Việc tiêu thụ hàng do các chủ vườn tự bán cho tư thương. 

Cam Cao Phong còn 20.000 đ/kg, sắp "vỡ trận" vì diện tích tăng cao - 3

Hiện ở Cao Phong đã có trên 400ha cam được cấp chứng chỉ Vietgap. 

Điều mà người dân Cao Phong lo ngại là diện tích cam phát triển quá nhanh và quá nhiều người trồng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngay cả những hộ trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap thì vẫn gặp khó. Giá cam đã bắt đầu giảm mạnh vì phải cạnh tranh với cam Vinh, cam Bắc Giang và cam Tuyên Quang, Hà Giang.

Ông Trần Văn Tuyên ở khu 4, thị trấn Cao Phong chia sẻ, gia đình ông trồng cam từ năm 2004 đến năm 2008 bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây trồng này, ông Tuyên tiếp tục đầu tư hợp tác, liên kết mô hình 50/50 (người đầu tư vốn hợp tác với người có đất), đến nay đã có 17ha cam. "Năm nay nhà tôi thu khoảng 450 tấn cam các loại, việc tiêu thụ đều do các tư tương ở nơi khác đến mua", ông Tuyên cho biết.

Theo ông Tạ Đình Đào, một chủ vườn có 10ha cam ở Cao Phong, đầu ra từ trước giờ toàn thương lái đến tận vườn. Có những lúc thương lái ép không bán được hàng. Một vài năm trở lại đây thì không đến nỗi nhưng về lâu dài thì cần có đầu mối tiêu thụ để ổn định cho nông dân.

Cam Cao Phong còn 20.000 đ/kg, sắp "vỡ trận" vì diện tích tăng cao - 4

So với năm 2010, diện tích cam ở Cao Phong đã tăng gấp 4 lần. Đó còn chưa kể các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy và Kim Bôi cũng không ngừng trồng cam. Việc cây cam phát triển quá "nóng" sẽ khiến người trồng cam gặp khó. 

Ông Đào lo lắng cũng có cơ sở, vì sắp tới 2.800 ha cam, quýt cho thu hoạch, tổng sản lượng sẽ lên đến 80-90 tấn. Sản lượng quá nhiều lại thu trong thời gian ngắn, người nông dân sẽ gặp khó khi bán hàng. Hiện tại, người dân nơi đây vẫn không ngừng bạt đồi, bỏ mía trồng cam. Chưa một gia đình nào kết nối được với đầu mối tiêu thụ ổn định. Họ cứ lao vào trồng còn đầu ra sẽ do thương lái đảm nhiệm. Đây là một điều bất lợi đối với các hộ trồng cam ở cả tỉnh Hòa Bình sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Tuấn (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN