Cam Canh “xịn”: Nhà giàu lắm tiền không mua nổi

Chưa đến Tết Ất Mùi, nhưng giờ này đặc sản cam Canh chính gốc nổi tiếng Hà thành dù giá đắt gấp 3 cam Canh trồng nơi khác nhưng có tiền cũng không mua nổi.

Làng Canh vốn là “thủ phủ” của cam Canh nhưng quá trình đô thị hóa khiến cây cam ngày càng vắng bóng. Hỏi chính người dân đất Canh họ cũng chỉ biết cam Canh là đặc sản có nguồn gốc xuất phát từ mảnh đất này, tuy nhiên hiện nay ngay cả người dân đất Canh cũng không được thưởng thức cam Canh chính hiệu.

Đến đầu chợ Vân Canh, hỏi thăm địa chỉ để tìm mua cam Canh “xịn”, một người bán tại chợ này cho hay: “Giờ ở đây ít người trồng lắm, muốn mua cam Canh xịn cũng không đến lượt em đâu. Cam Canh xịn còn rất ít, có khi họ còn đặt khi cây chưa ra hoa nữa là”.

Cam Canh “xịn”: Nhà giàu lắm tiền không mua nổi - 1

Vườn cam Canh "xịn" hiếm hoi còn lại ở làng Canh (Hà Nội) đã được đặt hàng trước Tết 3 tháng. Hiện giờ khách tìm đến mua trả giá nào chủ vườn cũng lắc đầu. Ảnh: Diệu Thùy

Cam Canh có vị ngọt mát, thơm là một trong những đặc sản hút hàng tìm mỗi dịp Tết đến xuân về.

Mặc dù giống cây này được trồng phổ biến ở một số địa phương khác như Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình… nhưng vị ngọt, thơm như “bản gốc” thì không thể bằng.

Chính vì thế mà trước Tết vài ba tháng, nhiều người cất công đến tận vườn để đặt mua làm quà biếu hoặc bày lên mâm ngũ quả ngày Tết. Cam Canh chính gốc khan hiếm nên giá bán của nó so với những loại cam Canh trồng ở nơi khác thường cao gấp 2, gấp 3 lần.

Anh Lê Danh Thành, chủ vườn cam Canh ở xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: cách đây vài ba năm trong vùng chỉ còn mình anh trồng loại cây này. Năm nay có thêm vài hộ nữa nhưng số lượng chỉ vài chục gốc, không đáng kể.

Cây cam được trồng trên mảnh đất Canh mới cho quả ngọt, thơm lừng, khác với những quả cam Canh được trồng ở nơi khác. Vì là giống cây quý, lại được trồng trên đất Canh, không phun thuốc nên cam Canh tại đây có giá từ 120.000- 150.000 đồng/kg. 

So với năm ngoái mức giá không tăng mặc dù năm nay vườn cam bị mất mùa. Như trong dịp Tết năm ngoái, vườn cam giúp anh thu về gần 300 triệu đồng.

“Năm nay cây sai quả nhưng bị hỏng rễ, cứ héo lá nên đành phải chặt bỏ. Vườn cây 600 gốc nay phải chặt mất một nửa. Nhìn đến là buồn”, anh Thành buồn rầu nói.

Cam Canh “xịn”: Nhà giàu lắm tiền không mua nổi - 2

Cam Canh được trồng trên đất Canh có giá cao gấp đôi, gấp ba cam trồng nơi khác nhưng vẫn không có để mua.

Theo anh Thành, mức giá cam Canh trên thị trường hiện nay dao động từ 50.000- 70.000 đồng/kg, thậm chí có loại cam Canh trồng ở đâu cũng bán tận 90.000 đồng/kg nên so với giá thị trường thì cam Canh chính gốc cũng không phải là quá đắt, bởi điều quan trọng là làm thế nào để chọn được cam Canh chính gốc để thưởng thức mới là khó.

Anh Thành cho biết, vườn cam của anh có khách đặt từ đầu tháng 9. Hiện tại số lượng cam Canh trong vườn anh Thành đã được người đặt mua hết. 

Nhiều người gọi điện hỏi mua nhưng anh đành phải từ chối. Do đó khách hàng muốn mua cam Canh ở thời điểm hiện tại là không còn có cơ hội.

Anh Nguyễn Trí Hùng, một người dân ở xã Đắc Sở cho biết, trước đây Đắc Sở cả làng trồng cam nay chỉ còn vài nhà làm cây giống hoặc cây cam cảnh. 

Kỹ thuật cho ra quả và duy trì tuổi thọ của cây khó. Nếu không có kỹ thuật thì chỉ vài ba năm là cây chết. Chính vì thế dân Đắc Sở bỏ cam Canh chuyển sang trồng phật thủ để cho thu nhập cao hơn.

Hiện nay cam Canh được trồng nhiều ở Bắc Giang. Chỉ tính riêng huyện Lục Ngạn, diện tích trồng cam Canh hơn 500 ha, cho sản lượng hơn 6.000 tấn.

Theo những người buôn cam ở chợ đầu mối phía nam thì cam Canh Bắc Giang loại 1 có giá khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, loại 2 giá từ 45.000- 50.000 đồng. Cam Canh trồng ở những vùng khác quả thường to, màu đỏ đậm. Còn cam canh trồng trên đất Canh thường có màu vàng. 

Dù là cam Canh trồng ở nơi khác thì để chọn cam Canh ngon phải chọn quả mỏng vỏ, tròn căng mới ngọt và nhiều nước.

Vì vậy, với người cầu kỳ muốn chọn mua cam Canh chính hiệu thì chỉ có cách chờ mua cam sang năm và phải đặt hàng thật sớm, "từ lúc cam chưa ra hoa".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN