Cám cảnh hơn 2 triệu hộ chăn nuôi 'treo' chuồng trước 'bão' giá
Sau vài năm cơn 'bão giá' thức ăn chăn nuôi ập đến, từ khoảng 4 triệu người tham gia chăn nuôi trên cả nước đến nay chỉ còn hơn 2 triệu người. Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp khẩn cấp hạ giá thức ăn chăn nuôi, nguy cơ nhiều làng nghề nuôi lợn tiếp tục bị xóa sổ.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết, sau mười mấy lần tăng giá liên tục, hiện giá cám cao hơn 40% so với năm 2020. Các dịch vụ chăn nuôi cũng tăng 10-15%... Điều này khiến người chăn nuôi ở "thủ phủ" Đồng Nai đang lỗ nặng, không khác gì so với lúc xảy ra khủng hoảng giá lợn hơi vào 6 năm trước.
Theo ông Đoán, hiện mỗi con lợn xuất chuồng, người dân lỗ 1 triệu đồng diễn ra khá phổ biến. Trước cơn bão giá thức ăn chăn nuôi, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai không trụ được phải bỏ nghề.
"Nếu như cách đây vài năm, chăn nuôi nông hộ còn chiếm tới 70% tổng đàn ở Đồng Nai, hiện chỉ còn khoảng 25-30%. Thời gian tới sẽ có rất nhiều hộ chăn nuôi sẽ phải đóng chuồng, đóng ao vì thua lỗ triền miên", ông Đoán cho hay.
Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi neo cao trong thời gian dài, cần khẩn cấp tìm cách hạ giá thành thức ăn chăn nuôi bằng cách giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.
Theo ông Đoán, nguyên liệu chính trong công thức cám thủy sản và cám lợn, khô đậu tương là loại nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 về lượng, hiện khoảng 5 triệu tấn/năm.
Giá cám tăng hơn 40% và duy trì trong thời gian dài đang khiến người chăn nuôi lỗ nặng
"Hiện các nước có ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi phát triển trong khu vực ASEAN đều duy trì thuế suất 0% với đậu tương nhập khẩu. Ở các quốc gia như Hàn Quốc, chính phủ sẵn sàng trợ giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong những chu kỳ giá nguyên liệu tăng cao cho một số mặt hàng nguyên liệu chính nhằm ổn định giá thành chăn nuôi trong nước", ông Đoán nói.
TS Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - đánh giá, chưa bao giờ ngành chăn nuôi cả nước lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Trước đây, có những thời điểm giá lợn hơi xuống thấp, giá gà hay giá bò lại tốt và ngược lại. Nhưng năm nay, người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi bò đều đối mặt với khó khăn lớn, đều thua lỗ.
Theo ông Đạt, giá thành nuôi lợn do các công ty FDI sản xuất vào khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg, ở các trang trại từ 54.000 - 56.000 đồng/kg, còn ở các hộ nuôi nhỏ lẻ lên tới 58.000 - 60.000 đồng/kg.
"Với giá xuất chuồng hiện tại, từ các doanh nghiệp tới người nuôi nhỏ lẻ đều thua lỗ nặng nề. Đây là nguyên nhân chính khiến cho chỉ sau vài năm, từ khoảng 4 triệu người tham gia chăn nuôi trên cả nước, đến nay chỉ còn hơn 2 triệu người", ông Đạt nói.
Ông Đạt cho rằng, nếu không có giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, thời gian tới, nguy cơ nhiều làng nghề nuôi lợn và chăn nuôi nông hộ tiếp tục bị xóa sổ.
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, trước tình trạng ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó chưa từng có khiến nhiều hộ phải treo chuồng, bỏ nghề, Cục Chăn nuôi đã khảo sát và đề xuất Bộ trình Chính phủ phương án hỗ trợ người chăn nuôi, đồng thời đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi.
“Thời gian tới, Cục sẽ tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiến độ đàm phán xuất khẩu chính ngạch thịt lợn để tháo gỡ những khó khăn hiện nay”, ông Thắng nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng liên tiếp, nguồn mua thịt lợn giảm đã đẩy giá thịt lợn xuống thấp. Kéo theo đó là hệ quả thua lỗ, ế ẩm của người chăn nuôi. Tâm lý bỏ...