Cạm bẫy mang tên "kinh doanh trái phép"
Tội kinh doanh trái phép đi ngược lại nền kinh tế thị trường.
Vụ việc ông chủ quán Xin Chào bị Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM khởi tố về tội kinh doanh trái phép thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân vụ việc này, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định: Việc ông chủ quán Xin Chào bị khởi tố hình sự có thể sẽ gây lo lắng cho những người đang có ý định khởi nghiệp, các tiểu thương và nhiều thương nhân khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Sợ rủi ro pháp lý
. Phóng viên: Vì sao ông nhận định sự kiện trên gây lo lắng cho người kinh doanh?
+ Luật sư Trương Thanh Đức: Đơn giản là: Từ tâm lý hào hứng sẵn sàng bỏ công sức, tiền của ra để khởi nghiệp thì người ta sẽ e dè, nghi ngại, thậm chí co vòi lại. Bởi thay vì lo ngại rủi ro kinh doanh thì người ta sợ rủi ro pháp lý. Thay vì tính toán các yếu tố lỗ lãi, khách hàng, thị trường… bằng việc lo sợ sai phạm nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, liệu có bị xử lý hình sự hay không. Những người đang kinh doanh có thể cũng sẽ lo ngại trước những “cạm bẫy” pháp lý có thể đến với mình.
. Thưa ông, trên thực tế nhiều năm qua tội kinh doanh trái phép đã gây ra những hậu quả gì?
+ Tội danh này là một trong những yếu tố quan trọng làm hạn chế nhiều ý định kinh doanh của người dân. Xét cho cùng nó là một quy định đi ngược lại nền kinh tế thị trường và cản trở một trong những quyền cơ bản của con người, đó là tự do kinh doanh. Và nó cũng là nỗi ám ảnh treo lơ lửng trên đầu nhiều người.
Vẫn gặp khó với điều kiện kinh doanh
. Khi tội kinh doanh trái phép bị bãi bỏ (từ ngày 1-7), liệu các loại giấy phép con, các điều kiện kinh doanh trái luật được cài cắm trong các thông tư, nghị định… có được bãi bỏ đồng thời không, thưa ông?
+ Tôi cho rằng bỏ tội kinh doanh trái phép là việc loại bỏ một nguy cơ lớn đối với doanh nhân. Nó sẽ có tác động gián tiếp đến các cơ quan chức năng và bộ máy cán bộ, công chức trong việc thay đổi nhận thức về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công dân.
Quán cà phê Xin Chào, huyện Bình Chánh, TP.HCM trong ngày khai trương. Ảnh: CTV
Tuy vậy, hiện nay các loại giấy phép, điều kiện kinh doanh được ban hành, cài cắm không đúng quy định của pháp luật trong thời gian qua vẫn đang gây ra nhiều khó khăn, cản trở doanh nghiệp.
. Vậy làm thế nào để không còn các loại điều kiện kinh doanh trái luật và qua đó khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh trong dân?
+ Có thể nói những điều kiện kinh doanh trái luật và vô lý này khiến doanh nghiệp tốn kém và có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Họ kinh doanh để kiếm tiền cho mình, cho người lao động và cho xã hội nhưng lại bị “hành” bởi các loại giấy phép.
Tôi cho rằng điều kiện kinh doanh nhiều hay ít, chặt hay lỏng không quan trọng bằng việc nó có thật sự cần thiết và có rõ ràng, minh bạch hay không.
. Ở Mỹ có câu nói đại ý “Không nên săm soi 1 triệu USD đầu tiên của những tỉ phú”. Phải chăng khi bước vào kinh doanh, nhiều người dễ bị sai sót?
+ Theo tôi, nên hiểu câu đó theo hướng trong giai đoạn khởi nghiệp thì còn nhiều lúng lúng, chưa hiểu rõ mọi vấn đề nên dễ phạm lỗi. Vì thế đừng quá khắt khe, bắt bẻ mà cần hướng dẫn, tư vấn cho họ thực hiện được đúng quy định pháp luật.
Thương nhân cần phải quan tâm và tôn trọng pháp luật. Song song đó Nhà nước cũng cần phải rà soát, thiết kế lại hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp để tạo điều kiện tối đa cho họ làm ăn.
. Xin cám ơn ông.
Môi trường kinh doanh thiếu an toàn Môi trường kinh doanh lành mạnh không chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu. TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI Sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính và thậm chí cả hình sự vào những vấn đề mà thị trường có thể tự giải quyết cho thấy một số cơ quan công quyền đang làm sai chức năng của mình trong một nền kinh tế thị trường. Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế VCCI |