Cải tiến biểu giá điện không làm tăng giá bán lẻ điện

Đó là ý kiến của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng hợp trong báo cáo đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt.

Báo cáo tổng hợp ý kiến này được lãnh đạọ EVN chia sẻ tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 6-10.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết sau khi hội thảo lấy ý kiến về đề án biểu giá điện mới được tổ chức tại ba miền, đã có 27 ý kiến tham luận. Trong đó có 9 ý kiến của chuyên gia và 18 ý kiến của đại diện Sở Công Thương, Sở Tài chính, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các tỉnh, TP và đại diện cơ quan truyền thông báo chí.

Cải tiến biểu giá điện không làm tăng giá bán lẻ điện - 1

Ảnh minh họa

 Ông Tri cho hay hầu hết ý kiến cho rằng phương án giữ nguyên biểu giá điện sáu bậc như hiện nay sẽ không làm xáo trộn việc áp dụng biểu giá điện và thực hiện được chính sách tiết kiệm. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá của một số bậc chưa thật sự hợp lý. Điều này dẫn đến có những khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao vào mùa nóng, tốc độ tăng tiền điện tăng cao hơn tốc độ tăng sản lượng tiêu thụ điện.

Về phương án rút ngắn biểu giá điện xuống còn 3-4 bậc thang có 26 ý kiến đồng thuận, tương đương với 96,29% số ý kiến tham gia góp ý. Ở phương án này, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định khoảng cách giữa các mức giá giữa các bậc thang ở mức hợp lý, không để quá xa. Hạn chế đến mức thấp nhất việc dồn bậc làm tác động tăng giá cụ thể ở các bậc đối với các hộ tiêu dùng điện ít, trung bình và giảm giá đối với các hội tiêu dùng nhiều điện. Kiến nghị tiếp tục nghiên cứu chênh lệch giữa các mức giá của các bậc thang sử dụng điện hợp lý hơn.

Một số ý kiến đề nghị giãn khoảng cách giữa các bậc thang, một số ý kiến khác đề xuất cụ thể thay đổi mức sản lượng bậc thang đầu tiên là 0-100 kWh/tháng thay vì 0-50 kWh/tháng như hiện nay.

Đặc biệt, đại đa số ý kiến đề nghị biểu giá điện sinh hoạt phải bảo vệ lợi ích của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ công nhân viên chức có thu nhập trung bình chiếm đa số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Ông Tri cho biết trong tháng 10 này, EVN sẽ phối hợp với Cục Điều tiết điện lực và cơ quan tư vấn tiếp tục lắng nghe ý kiến công chúng, chuyên gia,… để hoàn thiện đề án theo hướng thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường, có tính đến hỗ trợ người nghèo, chính sách. Sau đó EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương để Bộ tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan, tổng hợp dự thảo báo cáo Thủ tướng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN